Hai phương án đánh thuế nhà đầu tư vàng

P.V

TCTC Online - Ngày 15/12, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) có cuộc họp với một số cơ quan chức năng để bàn về chính sách thuế và phương án thực hiện đối với hoạt động đầu tư trên sàn giao dịch vàng.

Được biết, sau cuộc họp bàn của Vụ Chính sách thuế, cơ quan này sẽ tổng kết xây dựng đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính về chính sách thuế và công tác quản lý thu thuế đối với giao dịch trên sàn vàng.

Theo đó, có hai phương án được đề xuất:

Phương án thứ nhất là tạm nộp 0,002% trên giá chuyển nhượng từng lần phát sinh giao dịch khớp lệnh bán ở trạng thái vàng dương và khớp lệnh mua ở trạng thái vàng âm (không phân biệt giao dịch lời hay lỗ). Cuối năm nhà đầu tư quyết toán thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế.

Phương án thứ hai là trường hợp sàn giao dịch vàng hạch toán được lỗ lãi từng lần giao dịch của nhà đầu tư, tạm nộp 20% thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập phát sinh (giao dịch sinh lời) đối với trường hợp khớp lệnh bán vàng ở trạng thái vàng dương và khớp lệnh ở trạng thái vàng âm. Cuối năm, nhà đầu tư quyết toán theo thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế.

Việc thu thuế cũng được xem xét ở khả năng thực hiện khấu trừ tại nguồn, như đối với việc quản lý thuế trong chuyển nhượng chứng khoán, cũng như quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân.

Các phương án và quan điểm về chính sách thuế đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư vàng hiện vẫn chưa thống nhất, chưa có đề xuất cuối cùng lên cấp có thẩm quyền quyết định; thậm chí vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc đầu tư, kinh doanh vàng là hàng hóa đơn thuần hay là tiền tệ.

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã thừa nhận, sàn vàng đang là một kẽ hở của pháp luật. Sàn vàng ra đời nhưng khi nhìn lại các quy định của pháp luật thì không có cơ quan nào quản lý, không có văn bản nào điều chỉnh. Thống đốc cũng chưa cấp giấy phép cho hoạt động sàn vàng nào vì chưa có quy định nào quy định Thống đốc được quyền cấp phép. Trong khi, các NH, CTCK đua nhau mở sàn giao dịch vàng và đã trở thành sân chơi hấp dẫn đối với người dân.

Chính vì hoạt động này chưa có một khung pháp lý, cơ chế nào để quản lý sàn giao dịch vàng và những lộn xộn của sàn vàng lâu nay (như vụ sàn vàng NH ACB, gần đây nhất là vụ kiện cáo giữa Thế giới vàng và nhà đầu tư…) đã đặt lên bàn các cơ quan quản lý có liên quan bài toán cần phải giải quyết. Đã đến lúc lập lại trật tự của hoạt động này. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên có sàn vàng nhưng đặt dưới sự quản lý của NHNN, như vậy, những rắc rối từ tỷ giá, giá niêm yết, treo bảng giao dịch… sẽ chấm dứt và nhà đầu tư sẽ tránh được những rủi ro từ các thủ thuật đó của sàn vàng.

Một số lãnh đạo của các sàn vàng cho rằng, quản lý là cần thiết nhưng cơ chế hoạt động nào, phương án đánh thuế ra sao thì cũng phải dựa vào tình hình thực tế của thị trường trong nước. Dù sao vàng cũng là kênh đầu tư hấp dẫn và mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư. Vì vậy, quản lý sao để hoạt động này trở nên phát triển hơn.