Kế hoạch kiểm toán trong năm 2009

Theo VnEconomy

Theo ông Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước, nhiệm vụ kiểm toán trong năm nay sẽ được tập trung vào 4 trọng điểm sau: những vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa và thu chi ngân sách của các đơn vị trong năm 2008; những vấn đề về chính sách tiền tệ trên cơ sở bám sát kết quả thực hiện 8 nhóm giải pháp kiểm chế lạm phát của Chính phủ trong năm 2008.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tập trung vào kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, chấp hành các quy định về tài chính… của các đơn vị được kiểm toán.

Đặc biệt, trong năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ đi sâu vào kiểm toán các tổng công ty nhà nước để có thể xây dựng thành một cáo cáo phục vụ cho công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2009.

Về kế hoạch cụ thể, năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán 22 bộ, ngành và cơ quan trung ương liên quan đến báo cáo quyết toán ngân sách, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trong năm 2008, kiểm toán 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 29 doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng và các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, an ninh quốc phòng… Trong số các doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào kiểm toán hai đơn vị là SCIC và Vietnam Airlines.

Xung quanh kế hoạch kiểm toán năm 2009, ông Vương Đình Huệ đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới.

Không có “chạy chọt”

Ông đã từng nói, Kiểm toán Nhà nước luôn đối mặt với những rủi ro, nguy cơ trong việc “chạy chọt” trong quá trình lên kế hoạch kiểm toán cũng như trong khi kiểm toán. Vậy, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán năm nay, có tình trạng “chạy chọt” không và đã xử lý trường hợp nào chưa, thưa ông?

Pháp luật đã quy định Tổng kiểm toán có quyền quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm đều được quy định rất chặt chẽ, trong đó phải có sự trao đổi với nhiều cơ quan liên quan. Sau đó, kế hoạch này được gửi lên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ và lấy ý kiến của tất cả đại biểu Quốc hội.

Do vậy, kiểm toán ai, không kiểm toán ai thì một mình Kiểm toán Nhà nước không thể quyết định được. Vì thế mà trong quá trình lên kế hoạch kiểm toán năm nay, chúng tôi không nhận được bất kỳ một đề nghị nào liên quan đến “chạy chọt” hay xin hoãn kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước vẫn cho rằng, kiểm toán không có gì là xấu, thậm chí là có lợi cho doanh nghiệp, cho các đơn vị được kiểm toán. Thế nhưng, trên thực tế thì số lượng các đơn vị “xin” được kiểm toán là rất hiếm. Liệu điều này có liên hệ gì với việc sai phạm diễn ra phổ biến của các đơn vị?

Thực ra, hoạt động kiểm toán độc lập cũng như Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ mới hình thành trong khoảng 15 năm nay. Do vậy, mức độ phổ biến của chúng ta không thể so sánh với nhiều nước khác có hoạt động kiểm toán đã hàng trăm năm.

Điều này cũng liên quan đến việc nhận thức vai trò, ý nghĩa của cơ quan kiểm toán cũng như hoạt động kiểm toán. Tình trạng mơ hồ về hoạt động kiểm toán, về cơ quan Kiểm toán Nhà nước của nhiều đơn vị hiện nay không phải là ít.

Tôi rất buồn khi có nhiều đơn vị sử dụng vốn ngân sách, có nhiều hoạt động liên quan đến tài chính nhưng vẫn gọi tôi là “Tổng giám đốc Tổng công ty Kiểm toán Nhà nước…”.

Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện nay có rất nhiều cơ quan kiểm toán độc lập cũng đã hoạt động rất tốt tại Việt Nam. Còn “khách hàng” tự nguyện của Kiểm toán Nhà nước thì cũng đã được cải thiện đáng kể, trong đó nổi lên là đề nghị của các bộ, ngành xin được kiểm toán các đơn vị của mình.

Ngoài ra, tôi cũng xin lưu ý rằng, theo quy định thì hoạt động kiểm toán là không được thu phí, nhưng không phải mọi yêu cầu của đơn vị kiểm toán đều được đáp ứng mà phải tiến hành theo trình tự, thủ tục, định hướng của nhà nước.

Tôi tin rằng, sẽ không xa nữa thì hoạt động kiểm toán sẽ được phổ biến và những hiểu biết về vai trò, ý nghĩa của Kiểm toán Nhà nước sẽ được cải thiện hơn.

Ông có thể cho biết rõ hơn những nội dung sẽ kiểm toán đối với SCIC và Vietnam Airlines?

Những nội dung và kế hoạch kiểm toán cụ thể những đơn vị này sẽ được chúng tôi công bố trong thời gian tới. Năm nay, ngoài việc kiểm toán theo mục tiêu chung thì còn có chương trình kiểm toán theo yêu cầu giám sát, theo đề cương của Quốc hội, bao gồm những vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai…

Không kiểm toán tập đoàn

Thưa ông, vai trò của các tập đoàn kinh tế trong việc kiềm chế lạm phát hồi năm ngoái là rất lớn. Hơn nữa, như ông nói, trọng tâm của việc kiểm toán năm nay là sẽ bám sát vào việc thực hiện 8 nhóm giải pháp chống lạm phát. Thế nhưng, vì sao trong kế hoạch kiểm toán năm nay lại không hề có tên một tập đoàn kinh tế nhà nước nào thuộc diện kiểm toán?

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước chỉ có một Vụ duy nhất có chức năng kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Do vậy, nếu yêu cầu kiểm toán hết tất cả các tập đoàn, tổng công ty là không thể. Cố gắng lắm thì chúng tôi cũng chỉ lên kế hoạch kiểm toán được gần 30 tổng công ty trong năm 2009.

Còn vì sao lại không kiểm toán các tập đoàn trong năm nay, là bởi: hầu hết các tập đoàn kinh tế đã được kiểm toán trong năm ngoái và các năm trước, và chu kỳ quay vòng thì cũng chưa đến.

Hơn nữa, để triển khai kiểm toán một tập đoàn nhà nước cần phải căn cứ trên nhiều tiêu chí khác nhau chứ không thể chỉ dựa vào một hoặc hai tiêu chí. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ là một trong những kênh để kiểm tra, giám sát các chương trình của Chính phủ.

Nhưng quan trọng hơn, để kiểm toán một tập đoàn kinh tế là không hề đơn giản. Chẳng hạn như kiểm toán EVN năm ngoái thì chúng tôi cũng đã phải huy động tổng lực làm việc trong 100 ngày liên tục mới đảm bảo được yêu cầu đề ra.

Do đó, năm nay, với việc tập trung vào kiểm toán SCIC - đơn vị được xem đầu mối có vai trò rất lớn trong việc nắm giữ vốn, tài sản của nhà nước thì đó cũng là một khối lượng công việc khá đồ sộ của Kiểm toán Nhà nước, nên không thể “ôm” thêm một vài tập đoàn kinh tế khác.

Có nhiều kết luận bí mật

Thưa ông, danh sách các đơn vị được kiểm toán hàng năm thì rất nhiều và được công bố rộng rãi. Thế nhưng, tại sao việc công bố kết quả kiểm toán của các đơn vị này lại rất hạn hữu, trong khi Thanh tra Chính phủ lại công bố kết quả thanh tra hàng tháng?

Hoạt động kiểm toán có nhiều điểm mang tính đặc thù khác với hoạt động thanh tra.

Trong khi Thanh tra Chính phủ chỉ làm những vụ việc tiêu biểu và số lượng cũng không nhiều thì các đơn vị được kiểm toán là rất lớn, lên tới hàng trăm đơn vị. Do vậy, chúng tôi không thể họp báo để công bố từng kết quả kiểm toán như là cơ quan thanh tra được.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có quy định, không phải bất cứ kết luận kiểm toán nào cũng phải công bố công khai. Chỉ có những đơn vị tiêu biểu, có vấn đề thì mới phải tổ chức họp báo để công bố.

Còn những kết luận mang tính bí mật quốc gia, bí mật của đơn vị được kiểm toán thì Chính phủ cho phép không phải công bố rộng rãi.

Thế còn việc kiểm tra các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hàng năm thì thế nào, thưa ông?

Việc chấp hành các kết luận, kiến nghị của kiểm toán sẽ được chúng tôi công bố vào tháng 6 tới.

Về nguyên tắc thì Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra các kết luận, kiến nghị nhưng lại không có trách nhiệm xử lý các kiến nghị đó.

Chúng tôi đã và sẽ kiểm tra bằng hai cách: hoặc là yêu cầu các đơn vị được kiểm toán báo cáo việc chấp hành các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, hoặc chúng tôi có thể tiến hành kiểm tra chọn mẫu với quy mô tương đối lớn đối với các đơn vị đã được kiểm toán.

Nếu kết quả không đúng với các kiến nghị thì chúng tôi sẽ chuyển các cơ quan chức năng xử phạt nặng và nghiêm khắc hơn.