Loại "sạn" trong hoạt động phát hành

Theo ĐTCK

Petroland cho rằng đợt thu tiền góp vốn mới đây của DN không phải là hoạt động phát hành huy động vốn mới nên không thực hiện đúng quy định và bị UBCK xử phạt. Trường hợp này, DN vô tình mắc lỗi và ngay sau đó đã giải trình, công bố thông tin tới các cổ đông.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì thấy hoạt động phát hành tới đây cần được quản lý chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế, loại bỏ những hành vi cố ý vi phạm, ảnh hưởng tới quyền lợi của NĐT nhỏ lẻ và TTCK nói chung.

Sai do không hiểu luật

CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 29/10/2007 với vốn điều lệ đăng ký là 1.000 tỷ đồng. Công ty  đã nhận vốn góp của các cổ đông. Tuy nhiên, một số cổ đông là CBNV Petroland, CBNV Công ty Investco và CBNV Tổng CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC) không góp đủ vốn như cam kết ban đầu. Tổng số vốn thu được là 937,62 tỷ đồng.

Ngày 30/12/2009, HĐQT Petroland đã họp và thông qua phương án thu đủ vốn điều lệ bằng huy động vốn từ CBNV Petroland và CBNV trong ngành dầu khí. Từ tháng 12/2009 đến tháng 3/2010, Công ty đã thực hiện thu tiền của dưới 100 CBNV để góp vốn điều lệ đủ 1.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Minh Chính, Tổng giám đốc Petroland cho biết, do HĐQT Công ty nghĩ đơn giản rằng, đây là quá trình thu cho đủ vốn điều lệ đã đăng ký chứ không phải phát hành huy động thêm vốn, nên toàn bộ tiến trình thu đủ vốn điều lệ nêu trên Petroland không xin ý kiến cổ đông, không báo cáo UBCK và chưa công bố thông tin. Sau khi thực hiện xong, HĐQT Công ty đã báo cáo tại ĐHCĐ thường niên năm 2009 vào ngày 25/3/2010. Ngay trong quá trình lập hồ sơ niêm yết cổ phiếu, CTCK tư vấn cũng không cho rằng đây là lỗi vi phạm, nên phải đến khi UBCK thông báo, Công ty mới biết là đã vi phạm quy định về phát hành riêng lẻ.

Petroland đã nộp phạt và ngày 11/8 đã thực hiện công bố thông tin qua trang web của Công ty. Sự việc sẽ không có gì ầm ĩ nếu công chúng hiểu được vì sao Petroland bị phạt, nhưng do Công ty chậm công bố thông tin nên vấn đề đã bị trầm trọng hóa khiến Công ty mẹ và cổ đông lớn nhất của Petroland là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí yêu cầu Petroland giải trình sự việc.

"Đây là một bài học. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc, đặc biệt là việc phải công bố thông tin kịp thời những vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của DN, nhất là tới đây Petroland trở thành DN niêm yết", ông Chính nói.

Phát hành chui... dễ lọt

Tương tự trường hợp của Petroland, điểm lại hơn 100 quyết định xử phạt của UBCK với các lỗi phát hành gần đây đều thấy, chỉ đến khi DN nộp hồ sơ đăng ký lưu ký, công ty đại chúng, niêm yết..., các vi phạm mới bị phát hiện. Luật Chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán mới và liên tục được cập nhật để phù hợp với thực tiễn thị trường, được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều vi phạm trong phát hành chứng khoán.

Không dễ để xác định đâu là những trường hợp cố ý phát hành chui, đem lại đặc quyền cho một nhóm NĐT lớn nào đó, đâu là những vụ việc vi phạm do vô tình. Tuy vậy, thực tế phát hiện và xử phạt như hiện nay không răn đe, loại trừ được việc một số DN cố tình phát hành chui, chấp nhận nộp phạt nhằm huy động vốn bất chính, trục lợi cho một nhóm người.

Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đang có hiệu lực đưa ra mức phạt cao nhất 70 triệu đồng với hành vi vi phạm chào bán chứng khoán và đã nhiều lần bị chê là quá thấp. Nghị định 85/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/9 tới nâng mức xử phạt vi phạm hành chính từ 50 đến 300 triệu đồng. Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong thời hạn tối đa 60 ngày để khắc phục hậu quả, buộc huỷ bỏ đợt chào bán, phát hành thêm, phạt tiền từ 1 đến 5 lần khoản thu trái pháp luật…

Trên thực tế, nghị định hiện hành cũng đã trao quyền rất lớn cho cơ quan xử phạt với các hình thức bổ sung tương tự Nghị định 85, song như đã đề cập, phần lớn vụ vi phạm chỉ phát hiện được khi tổ chức phát hành nộp hồ sơ đăng ký lưu ký, niêm yết, đăng ký công ty đại chúng, phát hành thêm…, nên đợt phát hành đã diễn ra từ trước thời điểm phát hiện, DN đã thu và sử dụng tiền huy động được.

Trong những trường hợp đó, chứng khoán đã được mua bán qua nhiều tầng nấc NĐT với thị giá khác so với giá chào bán ban đầu. Nếu hủy đợt phát hành, có thể gây thiệt thòi cho các NĐT hiện hữu. Trường hợp tịch thu toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán hoặc phạt từ 1 đến 5 lần số tiền thu được, UBCK chưa thực hiện với lo ngại làm vậy DN sẽ phá sản hoặc lâm vào thế khó khăn. Hiện cũng có chế tài quy trách nhiệm phạt cho từng cá nhân làm sai nhưng theo như lời một cán bộ thanh tra UBCK, trong các vụ việc đều khó phạt cá nhân do thiếu căn cứ.

Kết quả là hầu hết DN vi phạm đều chỉ bị phạt tiền. Với mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng như hiện nay, thậm chí là 300 triệu đồng theo quy định tới đây, nhiều ý kiến cho rằng không thấm tháp gì so với số tiền thu được có thể tới hàng trăm tỷ đồng, nên vi phạm cố ý sẽ tiếp tục xảy ra. Đáng chú ý hơn, Nghị định 85 quy định: "Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK là 2 năm, kể từ ngày vi phạm". Thực tế đã xảy ra nhiều vi phạm đến khi DN nộp hồ sơ mới bị phát hiện và thời hiệu xử phạt đã hết.

Huy động vốn là chức năng quan trọng của TTCK nhưng để loại bỏ những "hạt sạn" khiến vai trò này bị lạm dụng, TTCK nên chăng cần sự mạnh tay của cơ quan quản lý trong xử phạt các vụ vi phạm có yếu tố cố ý làm trái. Đồng thời, NĐT, cổ đông cần tăng cường ý thức giám sát hoạt động phát hành của các DN qua TTCK.