Lừa qua điện thoại, sao vẫn còn nhiều người“sập bẫy”?

Theo Mã Hải/cand.com.vn

Sử dụng điện thoại và mạng xã hội để lừa đảo là thủ đoạn “xưa như trái đất” của bọn tội phạm nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mới sập bẫy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nguyên nhân được xác định là do nạn nhân thiếu hiểu biết pháp luật và không chế ngự được lòng tham. Công an TP. Hồ Chí Minh liên tục khuyến cáo và đã có giải pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Cách thức phổ biến lừa qua điện thoại là đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ cước điện thoại, thiếu nợ ngân hàng, liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… 

Để làm tin, các đối tượng lừa đảo còn làm giả lệnh bắt của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, yêu cầu bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người xưng là điều tra viên, cán bộ... và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật, nếu làm lộ “bí mật” sẽ bị... bắt ngay. 

Để tạo tin tưởng cho bị hại, chúng còn dùng phần mềm ứng dụng giả mạo gọi đến là số điện thoại của cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước… nên khi bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080 hoặc mạng internet thì thấy trùng khớp. Trong lúc điện thoại với nạn nhân chúng còn làm giả tiếng còi xe Cảnh sát, tiếng hỏi cung… khiến nạn nhân khá sợ sệt. Từ đó, chúng điện thoại dọa dẫm, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng chỉ định với lý do xác minh nguồn tiền phục vụ cho công tác điều tra và sau đó chiếm đoạt.

Hai đối tượng sử dụng mạng xã hội và điện thoại để lừa đảo bị bắt giữ cùng tang vật.
Hai đối tượng sử dụng mạng xã hội và điện thoại để lừa đảo bị bắt giữ cùng tang vật.
 

Cao siêu hơn là các đối tượng yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng mở tài khoản mang tên chính mình và đăng ký dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại do bọn chúng cung cấp. Nạn nhân nghĩ rằng tài khoản do chính mình mở sẽ không sao. Tuy nhiên, khi đăng ký dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại của kẻ lừa đảo cung cấp thì chúng sẽ có số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu ban đầu và dễ dàng chuyển đổi mật khẩu. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản thì chúng nhanh chóng chuyển tiền sang tài khoản khác và rút sạch.

Ông K (ngụ quận 8, TP. Hồ Chí Minh) bị các đối tượng gọi điện tự xưng “công an” nói ông có liên quan đến một vụ rửa tiền xuyên quốc gia. Chúng yêu cầu ông mở tài khoản và dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do bọn chúng cung cấp. “Ông gửi hết tiền vào tài khoản, chúng tôi xác minh nguồn gốc, nếu là tiền “sạch” chúng tôi sẽ hoàn trả lại cho ông ngay. Còn ông không chuyển vào coi như bất hợp tác và chúng tôi sẽ thi hành lệnh bắt tạm giam”, một đối tượng  dọa. 

Thấy mình nào giờ chẳng liên quan gì đến tội phạm, ông K ngoan ngoãn chuyển gần 1,1 tỷ đồng và tất nhiên, tiền một đi không trở lại. Bà L (ngụ quận 1) cũng bị y như vậy, mất trắng 5 tỷ đồng. Ông S (ngụ quận 3) cũng bị mất 2,5 tỷ đồng một cách oan uổng…

Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo đây là thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè các thủ đoạn trên để tránh mắc bẫy. Bởi khi làm việc với đương sự, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an các địa phương chứ không có chuyện làm việc qua điện thoại và tuyệt đối không bao giờ yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Khi tìm hiểu thông tin về các vụ án đã xảy ra, PV Báo CAND thật sự không thể tin nổi vì sao nạn nhân lại dễ dàng mắc lừa như vậy. Các nạn nhân mà chúng chọn làm “con mồi” có làm ăn mờ ám hay hoạt động tệ nạn, tội phạm gì không mà lại sợ. Nhiều điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hồ Chí MinhM đều có chung câu trả lời thắc mắc này của chúng tôi, rằng “không”. 

Qua các vụ án được khám phá cho thấy, bọn tội phạm sử dụng dữ liệu cá nhân được mua trên mạng và chọn con mồi bất kỳ để dọa dẫm, ai “yếu bóng vía” thì sập bẫy. Còn các nạn nhân hầu hết là những người thiếu hiểu biết về pháp luật chứ không có nguyên nhân gì khác. Số người này rất ít khi xem tivi, nghe ra radio, đọc báo, lướt mạng… và thuộc nhóm người lớn tuổi, làm nghề kinh doanh mua bán tự do.

Một kiểu lừa khác là đánh vào lòng tham của nạn nhân. Kẻ lừa đảo đóng giả nhân viên bưu điện gọi điện thoại đến nạn nhân nói có bưu phẩm gửi ở bưu điện lâu ngày không đến nhận. Mặc dù “nhân viên bưu điện” không cung cấp danh tính người gửi nhưng nhiều nạn nhân nghe có quà thì nổi lòng tham, nhất là món quà có giá trị được gửi từ nước ngoài. 

Một thủ đoạn khác là đối tượng tạo mối quen biết với nạn nhân qua mạng xã hội và ngỏ ý tặng quà có giá trị cao. Sau đó chúng giả làm nhân viên bưu điện thông báo có bưu phẩm gửi từ nước ngoài và muốn nhận thì đóng lệ phí làm thủ tục…

Mới đây, ngày 24/10, TAND TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử Okwudilichukwu Chinedu Timothy (SN 1989, Quốc tịch Nigeria) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Timothy nhập cảnh vào Việt Nam năm 2015, sử dụng tên giả là Edu Grace rồi cùng một số đối tượng chưa rõ lai lịch dùng mạng xã hội làm quen bị hại và hứa hẹn tặng quà có giá trị cao. Đổi lại các nạn nhân phải gửi tiền qua tài khoản cho Timothy làm thủ tục chuyển quà. Hai số tài khoản mà Timothy cung cấp, một của Ngân hàng BIDV do Nguyễn Thị Thanh Ngân đứng tên và một của Ngân hàng Vietcombank do Nguyễn Tuấn Anh đứng tên. 

Gửi tiền xong nhưng không thấy hồi âm, nhiều người làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Tại cơ quan điều tra, Tuấn Anh khai mình cùng bạn gái Thanh Ngân có quen với một người tên là Edu Grace ở quận 1 để học tiếng Anh. Người này có nhờ Tuấn Anh và Thanh Ngân mở giúp một số tài khoản Ngân hàng tại Việt Nam để kinh doanh quần áo. 

Sau khi mở tài khoản xong, Tuấn Anh và Thanh Ngân đã giao thẻ cho người này sử dụng và nhiều lần được Edu Grace nhờ đi rút tiền từ 2 tài khoản trên. Tổng cộng số tiền mà Timothy cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt gần 1,9 tỷ đồng, trong đó Timothy hưởng 215 triệu đồng.

Để phòng ngừa loại tội phạm này, biện pháp chính vẫn là công tác tuyên truyền mà theo ghi nhận của chúng tôi, việc sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… là khá hiệu quả. Bởi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh là khá cao nên việc tuyên truyền đến mọi gia đình sẽ nhanh chóng và thuận lợi. 

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, mô hình phòng chống tội phạm qua mạng xã hội ở TP. Hồ Chí Minh do Công an quận Bình Thạnh khởi xướng. Cụ thể vào dịp cuối năm 2017, lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh đã họp bàn quyết định xây dựng nhóm Zalo, facebook kết nối điện thoại di động cá nhân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống các loại tội phạm. 

Theo đó, Công an quận phân công cho Đội Xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố làm đầu mối phối hợp cùng các đội nghiệp vụ Công an quận cung cấp hình ảnh tài liệu tuyên truyền cho Công an 20 phường. Sau đó, trưởng Công an 20 phường tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường chọn mỗi phường từ 1-2 khu phố áp dụng thí điểm. 

Cảnh sát khu vực có trách nhiệm phối hợp cùng Ban công tác Mặt trận khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, bảo vệ khu phố, nhóm trưởng Nhóm hộ tự quản và nhà cho thuê tự quản về ANTT cùng tham gia thực hiện. Mô hình này nhanh chóng tạo hiệu ứng và sức lan tỏa trong nhân dân. Ban chỉ huy Công an phường chịu trách nhiệm duyệt nội dung tuyên truyền sau đó mới chia sẻ trên các group.

Hiện mô hình này đã được Công an TP. Hồ Chí MinhM nhân rộng. Tính đến đầu tháng 10/2019, toàn TP. Hồ Chí Minh có 15/24 quận, huyện (187/322 xã, phường, thị trấn) đã triển khai ứng dụng mạng xã hội Zalo và 5/24 quận, huyện (52/322 xã, phường, thị trấn) đang triển khai ứng dụng mạng xã hội Facebook trong công tác phòng, chống tội phạm. Qua đó đã ngăn ngừa hàng trăm vụ lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội.