Muốn chống hàng giả, phải có “người thật”

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

“Chúng ta có đủ lực lượng đấu tranh, trấn áp tội phạm sản xuất hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, vậy nhưng hàng giả, mất an toàn thực phẩm vẫn tràn lan. Vậy thì phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, vẫn còn tình trạng quản lý “mắt nhắm, mắt mở”, buông lỏng, thậm chí bao che cho đối tượng mắc sai phạm”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Trần Hùng trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vẫn còn tình trạng “mắt nhắm, mắt mở”

Phóng viên: Liên tiếp các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bị phát hiện gần đây, đặc biệt là sản phẩm hỗ trợ chữa ung thư Vinaca làm từ than tre (Hải Phòng) hay cà phê trộn pin (Đắk Nông). Ở góc độ quản lý, ông lý giải điều này thế nào?

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Trần Hùng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Trần Hùng.

Ông Trần Hùng: Trước hết, cần phải khẳng định rằng, những vụ việc như vậy thật sự rất nghiêm trọng, coi thường sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

Đó là tội ác! Riêng đối với trường hợp của Vinaca, khi kiểm tra, chúng tôi thấy điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực không bảo đảm để sản xuất thực phẩm chức năng và không hề được cơ quan nào cấp phép. Đây rõ ràng là hành vi làm hàng giả lừa đảo người tiêu dùng, cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy bắt đối tượng cầm đầu ngay tại chỗ.

Để tình trạng này xảy ra có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn chưa thực sự trở thành phong trào mạnh, huy động được toàn dân tham gia. Ở đâu đó, người dân vẫn còn cả tin, nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng này hoặc vì thiếu thông tin nên bị các đối tượng lợi dụng.

Chúng ta có đủ lực lượng đấu tranh, trấn áp tội phạm sản xuất hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, vậy nhưng hàng giả, mất an toàn thực phẩm vẫn tràn lan. Vậy thì phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, vẫn còn tình trạng quản lý “mắt nhắm, mắt mở”, buông lỏng, thậm chí bao che cho đối tượng mắc sai phạm.

Trong đó có trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường?

Tôi không phủ nhận điều này, vì thực tế, ngay trong lực lượng quản lý thị trường cũng còn có những cán bộ, công chức mắc sai phạm trong khi thực thi công vụ, có trường hợp bị bắt, khởi tố vì nhận tiền hối lộ.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, quản lý thị trường chỉ là một trong những lực lượng có nhiệm vụ chống hàng giả, gian lận thương mại thôi. Ngoài ra còn có các lực lượng khác như hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an, thanh tra các bộ ngành.

Muốn chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu thực sự hiệu quả thì không thể trông chờ một lực lượng nào mà cần huy động toàn xã hội, trong đó có công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan với nhau. Đáng tiếc là hiện nay, công tác phối hợp này vẫn chưa tốt.

Cụ thể, sự phối hợp chưa tốt này thể hiện thế nào, thưa ông?

Đơn cử, nhiều vụ việc, trong đó mới nhất là việc kiểm tra Vinaca, chúng tôi đề nghị Cục Quản lý dược, Bộ Y tế phối hợp làm nhưng họ chưa thật sự nhiệt tình, máy móc khi cứ yêu cầu phải có công văn, giấy tờ trong khi tình huống cấp bách cần xử lý ngay, nhất là trong công tác đấu tranh trên mặt trận chống hàng giả quan trọng như thuốc, mỹ phẩm mà cục này chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước.

Người đứng đầu phải liêm chính

Để công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái mang tính thực chất, đâu là yếu tố đóng vai trò tiên quyết, thưa ông?

Muốn chống hàng giả có nhiều điều kiện như chế tài phải mạnh, xử phạt nặng hơn nữa. Như trường hợp thuốc chữa ung thư làm từ than tre Vinaca, đúng ra là phải khởi tố, xử lý nghiêm thì Công an quận Kiến An và Quản lý thị trường Hải Phòng chỉ xử phạt hành chính là chưa được.

Nếu báo cáo tôi, tôi xin cam đoan sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiến nghị cơ quan điều tra đủ căn cứ sẽ khởi tố ngay. Nhưng quan trọng nhất theo tôi vẫn là con người. Phải có những người thật, tức là họ có tâm, có tầm, có tài, trí và quan trọng nhất là phải liêm chính. Bởi công việc này phải đối mặt với những “viên đạn bọc đường”, nếu không liêm chính sẽ dễ dàng thỏa hiệp.

Như vậy có thể hiểu, hàng giả tràn lan là do chúng ta đang thiếu những “người thật”?

Đúng thế.

Làm sao có thể tạo ra được những con người thật như ông nói?

Muốn vậy, phải có chế độ đãi ngộ tương xứng. Chẳng hạn, trong trường hợp họ hy sinh thì con cái họ được Nhà nước nuôi ăn học đến năm 18 tuổi, họ được phong là liệt sĩ. Nhưng trước đó, họ cần được đào tạo để có thể tự bảo vệ mình tránh bị đối tượng tấn công.

Đặc biệt, muốn có “người thật” thì cần tạo ra những người đứng đầu thực sự thanh liêm, biết tin tưởng và bảo vệ cấp dưới của mình. Bởi trong nhiều trường hợp, người ta bị đối tượng vu khống và nếu không được cấp trên tin tưởng, bảo vệ, sẽ chẳng ai còn dám kiên quyết đấu tranh chống hàng giả.

Để làm được điều đó có khó không, thưa ông?

- Như tôi vừa nói, làm nghề này phải đối mặt với “đạn bọc đường” nên sẽ rất khó cho những ai có lòng tham. Nhưng khó cũng cần phải làm bởi hàng giả bây giờ tràn lan, đe dọa sức khỏe của cả dân tộc. Đã đến lúc, vai trò của người đứng đầu các cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả cần được siết lại. Họ phải là những người liêm chính. Chỉ khi nào người đứng đầu các cơ quan này thực sự tuyên chiến với hàng giả thì hàng giả mới dần không còn “đất sống”. Do vậy, đừng ngại va chạm, nể nang nữa, ai không làm được thì phải điều chuyển, thậm chí cách chức thì mới mong công tác chống hàng giả thực chất được.

 - Đã có trường hợp nào người đứng đầu bị thuyên chuyển hoặc cách chức liên quan đến chống hàng giả chưa?

- Tôi làm công tác này nhiều năm và chưa thấy có trường hợp nào như thế.

- Xin cảm ơn ông!