Ngân hàng "dọa" kiện Vietnam Credit vì gây nguy hiểm cho hệ thống

Theo Đất Việt

TCTC Online - Sau khi Công ty Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit, Hà Nội) công bố bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam năm 2009, nhiều ngân hàng phản ứng mạnh và cho biết sẽ khởi kiện công ty này.

Ông Phạm Anh Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại CP Sài Gòn (SCB), cho biết trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, SCB được xếp thứ 14 và nằm trong top 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2009. Ngoài ra, hằng năm, Ngân hàng Nhà nước xếp loại các ngân hàng (loại A, B và C) thì SCB được xếp hạng loại A (tức là top 5 ngân hàng lớn nhất). “Thế thì Vietnam Credit lấy cơ sở nào để xếp SCB vào hạng B (hạng dễ bị mất khả năng trả nợ mặc dù vẫn có khả năng thực hiện các cam kết tài chính)”, ông Dũng bức xúc.

Theo ông Dũng, hiện tổng tài sản SCB lên đến 53.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.700 tỷ đồng, trong 11 tháng năm nay, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng. “Công ty này không biết chút gì về nghiệp vụ ngân hàng mà dám đánh giá tùy tiện như vậy”, ông Dũng nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho biết, đây là việc làm thiếu thận trọng, thiếu trách nhiệm của đơn vị tổ chức cũng như những đơn vị truyền thông công bố bảng xếp hạng này. Pháp luật đã quy định rõ là chỉ có cơ quan thanh tra - giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước mới được phép xếp hạng ngân hàng thương mại vì họ có đầy đủ chức năng, thông tin và số liệu chính xác. Còn Vietnam Credit chỉ là doanh nghiệp tư nhân, không thể có đầy đủ số liệu, thống kê về các ngân hàng thương mại, tự động xếp hạng ngân hàng là sai quy định.

Theo ông Hưng, ai cũng có quyền nhận xét, đánh giá các ngân hàng mà mình quan tâm, nhưng nếu việc xếp hạng được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như thế này là rất thiếu trách nhiệm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngân hàng mà còn gây bất lợi đến an ninh kinh tế của đất nước vì những thông tin này rất nhạy cảm. Việc nhận xét, đánh giá của Vietnam Credit chưa khách quan, thiếu cơ sở, không đúng với tình hình hiện tại của từng ngân hàng. Theo bảng xếp hạng, Việt Á được xếp hạng CCC (có mức độ rủi ro cao, nếu điều kiện kinh tế bất lợi thì có ít khả năng thực hiện các cam kết tài chính). “Không hiểu dựa trên cơ sở nào mà công ty này đánh giá như vậy. Họ không có quyền công bố đánh giá cảm tính chủ quan của mình trên phương tiện truyền thông được”, ông Hưng bức xúc.

Sẽ khởi kiện Vietnam Credit

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo nhiều ngân hàng bức xúc trước việc “bị” xếp hạng này. Ông Dũng cho biết, đã báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước để có hướng xử lý Vietnam Credit. Ngoài ra, SCB cũng đang làm việc với luật sư để khởi kiện công ty này. Còn ông Hưng cũng đã báo cáo với Hội đồng quản trị và chờ thông tin từ Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Dũng, nếu vì thông tin xếp hạng này mà người dân kéo đến các ngân hàng bị đánh giá thấp để rút tiền thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với sự an toàn của hệ thống tài chính Việt Nam. Khi đó những thiệt hại (nếu có) liệu Vietnam  Credit có gánh nổi không?

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết, đánh giá này sẽ gây hiểu lầm trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngân hàng, nhất là những ngân hàng xếp hạng thấp. Trong danh sách xếp hạng B, có những ngân hàng được xếp loại hoạt động tốt trong năm. Bà Hương cho rằng, thông tin về ngân hàng luôn nhạy cảm, nhất là trong điều kiện hiện nay, bất kỳ thông tin gì chưa đầy đủ, vội công bố sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Bà Hương cho biết, trước phản ứng khá mạnh của các thành viên, VNBA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý.

Các định mức đánh giá xếp hạng mà Vietnam Credit đưa ra

AAA: Doanh nghiệp có khả năng cao nhất trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình.
AA: Có khả năng cao trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình nhưng thấp hơn AAA.
A: Mức độ rủi ro trong giao dịch với các doanh nghiệp này rất thấp, tuy nhiên chịu ảnh hưởng của những thay đổi hoàn cảnh và môi trường kinh tế.
BBB: Mức độ an toàn tương đối tốt, môi trường kinh tế và các thay đổi bất lợi có thể gia tăng mức độ rủi ro lớn.
BB: Trở nên tổn thương rõ ràng khi các yếu tố như điều kiện kinh doanh, tài chính không thuận lợi.
B: Dễ bị mất khả năng trả nợ mặc dù vẫn có khả năng thực hiện các cam kết tài chính.
CCC: Có mức độ rủi ro cao, nếu điều kiện kinh tế bất lợi thì có ít khả năng thực hiện các cam kết tài chính.
CC: Có nợ và nguy cơ không trả được nợ rất cao.
C: Thấy rõ việc phá sản tuy nhiên vẫn đang cố găng dàn xếp việc trả nợ.
D: Doanh nghiệp đã thực sự vỡ nợ.