Nghịch lý doanh nghiệp báo cáo lỗ: Càng lỗ, càng lớn mạnh?

Theo SGGP

Hàng năm có gần 50% doanh nghiệp báo cáo lỗ. Trong đó, có nhiều DN FDI báo lỗ suốt hàng chục năm liền.

Nguyên nhân nào giúp DN dễ dàng báo cáo lỗ? Loạt bài này sẽ “điểm mặt” những DN báo cáo lỗ nhằm góp phần tìm ra giải pháp hữu hiệu chống thất thu thuế.

Chiêu “mua mắc, bán rẻ”

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết Công ty Coca - Cola Việt Nam liên tục báo cáo thuế lỗ hơn chục năm qua, con số lỗ rất lớn, không dưới 100 tỷ đồng/năm (riêng năm 2008, số lỗ đã trên 130 tỷ đồng). Trong khi đó, ai cũng biết tên thương hiệu này vì công ty tài trợ cho rất nhiều chương trình vui chơi giải trí và thường xuyên quảng cáo trên truyền hình.

Công ty TNHH Clover Việt Nam (huyện Củ Chi) chuyên sản xuất mực in máy vi tính (100% xuất khẩu) cũng là DN báo lỗ nhiều năm liền. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, năm 2007 doanh thu của Clover VN chỉ 4 tỷ đồng nhưng giá vốn “đầu vào” là 12,3 tỷ nên “âm” 8,3 tỷ đồng. Chưa hết, chi phí quản lý trong năm được DN kê khai đến 8,4 tỷ đồng, tổng cộng kết quả kinh doanh năm 2007 lỗ 16,7 tỷ đồng. Năm 2008, doanh thu của đơn vị này tăng mạnh, đạt 206 tỷ đồng, tưởng tình hình có khả quan hơn, ai dè DN báo cáo giá vốn vẫn cao hơn doanh thu 5 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng lên 13 tỷ đồng, dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2008 lỗ 18,6 tỷ đồng. Tổng cộng số lỗ 2 năm (2007- 2008) của Clover VN đã lên đến 35,3 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của công ty 12,9 tỷ đồng! Sang năm 2009, Clover VN đổi chiêu “mua mắc, bán rẻ” sang chiêu “trọng dụng nhân tài”: Doanh thu cao hơn giá đầu vào 20 tỷ đồng (đạt 357 tỷ đồng) nhưng chi phí quản lý lại được kê lên 20 tỷ đồng, kết quả coi như… huề! Nếu tính lỗ lũy kế thì số “âm” 35,3 tỷ đồng vẫn còn đó. Khi bị cơ quan thuế “bắt giò” về nguy cơ phá sản (vì không còn vốn), lãnh đạo công ty lại cam kết sẽ… có lãi!

Không chỉ lỗ vì giá mua nguyên liệu cao hơn giá thành phẩm, nhiều DN còn dùng các chiêu khác như có vốn vẫn không đưa vào sản xuất mà đi vay vốn bên ngoài với lãi suất cao để đưa lãi suất vào chi phí, làm tăng giá trị đầu vào, giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ để không phải nộp thuế. Cách khác là nâng chi phí quản lý thật cao nên dù doanh số bán có cao hơn vốn thì trừ chi phí thì đều lỗ. Đó là lý do vì sao báo cáo thuế lỗ nhưng DN vẫn không yếu đi, lại còn… mở rộng hoạt động!

Chiêu “lội ngược dòng” và tăng vốn

Công ty TNHH Woogwang Vina (Hóc Môn) lúc mới ra đời (năm 2003) có vốn đăng ký rất khiêm tốn. Thế nhưng, sau 5 năm liên tục báo cáo lỗ thì vốn điều lệ của DN lại… tăng lên. Cụ thể, số lỗ cộng dồn đến năm 2008 của Woogwang Vina là 9,26 tỷ đồng. Theo lý, với tình trạng lỗ này thì DN sẽ gặp khó khăn nhưng ngược lại, cùng với số lỗ ngày một lớn, vốn pháp định của công ty cũng tăng theo, đến năm 2008 đạt 10,1 tỷ đồng. Và dựa vào lý do số lỗ chưa vượt quá vốn pháp định nên công ty cho rằng mình chưa lâm vào tình trạng phá sản theo quy định tại Điều 3 Luật Phá sản. Tuy nhiên, sau khi bị cơ quan chức năng cảnh báo sắp lâm vào tình trạng phá sản do lỗ gần “bứt” vốn thì năm 2009 DN này quay đầu… có lãi. Giám đốc DN này còn hứa “thời gian tới công ty sẽ cố gắng không để tình trạng lỗ xảy ra”.

Tương tự là trường hợp của Công ty Liên doanh nhựa Sunway Mario. Hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng mở rộng, được chứng minh qua doanh thu của từng năm đều tăng: Năm 2005 đạt 17,5 tỷ đồng, năm 2006 tăng lên 56 tỷ đồng, năm 2007 là 391 tỷ đồng và năm 2008 đạt 543 tỷ đồng. Thấy hoạt động kinh doanh “nở nồi” như vậy, ai cũng nghĩ là DN ăn nên làm ra. Thế nhưng, liên doanh này lại báo cáo thuế lỗ, số lỗ ngày càng nặng hơn. Năm 2005 số lỗ chỉ gần 600 triệu đồng, đến 2006 số lỗ tăng lên 4 tỷ đồng, năm 2007 lỗ tiếp 1,3 tỷ đồng, năm 2008 lỗ 1,8 tỷ đồng… Tổng cộng, số lỗ lũy kế của liên doanh này là 7,2 tỷ đồng, trong khi vốn góp chỉ có 7,9 tỷ đồng. Như vậy, số lỗ chiếm 91% vốn góp.

Do lỗ gần mất vốn nên cơ quan thuế đã cảnh báo về nguy cơ phá sản DN. Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc nhựa Sunway Mario lại lập luận: Năm 2009, số vốn của công ty đã tăng lên thành 41 tỷ đồng, cho nên số lỗ 7,2 tỷ đồng tính ra chỉ chiếm 18% tổng vốn mới. Vậy vì sao báo cáo lỗ nhiều năm mà hoạt động sản xuất mở rộng, vốn tăng lên?

Lỗ để hoàn thuế

Theo quy luật thông thường, doanh số càng tăng cao thì DN càng lớn mạnh và lãi càng cao. Nhưng ở một số DN lỗ… trường kỳ thì không đi theo quy luật đó mà đi ngược lại. Công ty TNHH TMDV Dũ Thành (quận Phú Nhuận) kinh doanh thiết bị điện, điện lạnh là một ví dụ. Dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dũ Thành năm sau cao hơn năm trước gần 300% nhưng vẫn lỗ, và số lỗ lại tăng theo doanh thu.

Cụ thể, năm 2008 doanh thu 7,3 tỷ đồng thì số lỗ là 288 triệu đồng; đến năm 2009 doanh thu tăng lên, đạt 19,7 tỷ đồng thì số lỗ cũng tăng lên 539 triệu đồng. Vì lỗ nên đương nhiên công ty không phải nộp thuế thu nhập DN. Đã vậy, do làm hàng xuất khẩu, được hưởng ưu đãi của nhà nước là không phải chịu thuế GTGT, nên không những không đóng thuế, DN này còn được hoàn thuế GTGT. Tiền hoàn thuế cũng rất lớn, chỉ trong vài tháng, từ tháng 5-2009 đến tháng 3-2010, Công ty Dũ Thành đã đề nghị Nhà nước hoàn thuế với số tiền hơn 750 triệu đồng.

Tuy không có cơ sở pháp lý để kết luận rằng các DN báo cáo lỗ là để trốn thuế, thế nhưng, nhìn sự lớn mạnh của một số DN lỗ - thậm chí lỗ nhiều năm liền - khiến người ta không thể không nghi ngờ. Đó là chưa kể, nhiều chủ DN có thể linh động và điều chỉnh được kết quả kinh doanh một cách dễ dàng. Một DN “đình đám” khác mà khi nhắc đến sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng vì DN này sử dụng lượng lao động lớn và số lượng hàng xuất khẩu cũng đứng “top” đầu VN. Đó là Công ty Pou Yuen Việt Nam, DN chuyên về may mặc và da giày, sử dụng gần 70.000 công nhân. Thế nhưng, thật đáng buồn là hơn chục năm liền hoạt động ở VN, năm nào Pou Yuen cũng khai thuế lỗ (năm 1998 lỗ 7 triệu USD; năm 1999 lỗ 7,6 triệu USD; 2000 lỗ 0,5 triệu USD; 2001 lỗ 9,1 triệu USD; 2002 lỗ 8,8 triệu USD; 2003 lỗ 1,7 triệu USD; 2004 lỗ 1,8 triệu USD; 2005 lỗ 6 triệu USD; 2006 lỗ 4,9 triệu USD; 2007 lỗ 5,1 triệu USD; 2008 lỗ 4,6 triệu USD…).

Điều ngạc nhiên hơn là càng lỗ DN này càng mở rộng đầu tư. Khi mới thành lập (năm 1996), Pou Yuen có vốn đăng ký chỉ 120 triệu USD, sau nhiều năm lỗ như thế, đến nay số vốn điều lệ đã tăng thành 288 triệu USD - tăng gấp gần 2,5 lần so với vốn ban đầu. Thế nhưng không hiểu vì sao cơ quan quản lý nhà nước lại để tình trạng lỗ như thế kéo dài hàng chục năm qua mà không có hướng xử lý?!

Số liệu DN thành lập mới trên địa bàn TPHCM liên tục tăng: năm 2005 có 10.579 DN đăng ký thành lập mới; năm 2006 có 15.143 DN mới; năm 2007 có 17.227 DN mới; năm 2008 có 20.996 DN mới và năm 2009 có 27.830 DN mới. Tính đến hết năm 2009, tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn TPHCM là 141.808 DN.