Bảo đảm quyền lợi cho lao động xuất khẩu

Theo daibieunhandan.vn

Xuất khẩu lao động đã và đang mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể, đồng thời góp phần tích cực vào việc giải quyết bài toán việc làm. Tuy nhiên, xuất khẩu lao động đang gặp không ít khó khăn, đối mặt với nhiều tệ nạn, trong đó, hứng chịu rủi ro lại chính là những người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thiếu thông tin

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD, Bộ Giao thông - Vận tải Lê Nhật Tân cho biết, quy trình đưa lao động ra nước ngoài làm việc gồm các bước: Tuyển chọn lao động, đào tạo tay nghề theo yêu cầu của nước bạn, làm thủ tục đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và kết thúc quy trình khi người lao động kết thúc hợp đồng về nước.

Khi doanh nghiệp trong nước muốn ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài về việc đưa lao động sang làm việc phải được sự cho phép của Cục Quản lý lao động nước ngoài - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Doanh nghiệp muốn về địa phương tuyển dụng lao động phải được chính quyền địa phương cho phép sau khi kiểm tra, thẩm định tính xác thực của hợp đồng.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động xuất khẩu lao động trái với quy định của pháp luật. Những tổ chức này thường thông qua bộ phận “cò” môi giới để đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Điều đáng nói là hiện nay phần lớn người lao động thiếu thông tin, mù mờ về thủ tục đi xuất khẩu lao động, quan trọng hơn là tâm lý mau chóng làm giàu nên dễ dàng tin tưởng các đối tượng này, thậm chí có rất nhiều trường hợp không biết rõ về nơi mình sẽ đến, công việc mình sẽ làm. Hình thức là xuất khẩu lao động nhưng thực chất là đi bằng visa du lịch và sau đó người lao động sẽ ở lại nước bạn để lao động bất hợp pháp.

Trong trường hợp này, quyền lợi của người lao động sẽ không được bảo đảm, chịu nhiều rủi ro, nguy hiểm trong quá trình lao động, chưa kể họ có thể trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người. Thực tế đã có không ít lao động gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng khi bị bóc lột sức ở xứ người, sinh sống trong môi trường không bảo đảm trong khi lương ít ỏi. Chưa kể, khi xuất khẩu lao động trái phép họ phải bỏ ra chi phí cho môi giới cao hơn rất nhiều so với số tiền làm ra.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trên thực tế mỗi nước chỉ tuyển dụng lao động ở các ngành nghề nhất định. Do đó, người lao động cần hiểu rõ trình độ, kỹ năng chuyên môn của bản thân để lựa chọn đơn hàng phù hợp. Tuy nhiên, một trong những vấn đề tồn tại hiện nay là kỹ năng chuyên môn của lao động nước ta còn thấp, nên nếu không có tay nghề, không có kinh nghiệm làm việc sẽ rất khó vượt qua được kỳ thi tuyển chọn lao động của nước bạn.

Chính vì vậy, người lao động cần phải trải qua quá trình đào tạo, rèn luyện tay nghề, kỹ năng và ngoại ngữ. Phó Giám đốc Công ty cổ phần đào tạo Việt Nhật Phạm Hữu Hùng cho biết, để đáp ứng được yêu cầu của phía tuyển dụng, người lao động sẽ được trang bị năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm trong giao tiếp, văn hóa ứng xử, ý thức tổ chức kỷ luật lao động…

Bên cạnh trường hợp bị lừa trở thành lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, thì nhiều người sau khi sang nước ngoài đã tự ý phá vỡ hợp đồng, tự tìm việc làm khác để có thu nhập cao hơn, hoặc hết hạn hợp đồng không chịu về nước mà tiếp tục ở lại cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số nước ban hành lệnh cấm lao động đến từ Việt Nam.

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố công văn tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với 44 quận, huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố. Quyết định này được đưa ra sau khi có quá nhiều lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước này.

Xuất khẩu lao động là cơ hội giúp người dân mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên việc mỗi năm có đến hàng trăm vụ lừa đảo xuất khẩu lao động với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi đang trở thành mối đe dọa cho những ai nhẹ dạ cả tin.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Quốc Hương nhấn mạnh, ngoài việc giám sát chi phí trước lúc đi của doanh nghiệp, các tổ chức cũng như người lao động, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho chính người lao động để họ biết tìm hiểu kỹ quy định, quy trình và nắm rõ thông tin về đơn vị sẽ đưa mình sang nước ngoài làm việc, tuyệt đối không đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp để tránh những rủi ro, nguy hại đáng tiếc có thể xảy ra; cũng như người lao động đã đi xuất khẩu biết và có ý thức chấp hành hợp đồng đã cam kết cũng như quy định pháp luật nước bạn.