Đảo đảm an toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết

Theo daibieunhandan.vn

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp những kết quả bước đầu như ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn... Tuy nhiên, việc bảo đảm vệ sinh ATTP vẫn còn phức tạp, cần tập trung giải quyết một cách cơ bản, tận gốc trong thời gian tới... Cục trưởng Cục An Toàn thực phẩm - Bộ Y tế, TS. Nguyễn Thanh Phong đã có chia sẻ nhân tháng hành động vì ATTP năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Mục đích cao nhất là vì sức khỏe nhân dân

Phóng viên: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Để góp phần tạo hành lang pháp lý minh bạch cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm, năm 2016 các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP của Bộ Y tế đã hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời, thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện, xã/phường của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt kết quả đáng ghi nhận.

Cùng với đó, Cục ATTP cũng đã tham mưu cho Bộ Y tế, phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết thành công hàng loạt sự cố an toàn thực phẩm nghiêm trọng, được Chính phủ và người dân đánh giá cao, điển hình như sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị có liên quan xử lý, cung cấp thông tin bảo đảm khách quan, khoa học, kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội, tâm lý người tiêu dùng, giảm thiểu được thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Tiếp tục triển khai kết nối 2 thủ tục hành chính về ATTP thuộc quản lý của Bộ Y tế với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc xử phạt vi phạm hành chính về ATTP  được thực hiện nghiêm minh. Năm 2016, lần đầu tiên mức xử phạt đối với 1 công ty vi phạm hành chính về ATTP được Bộ Y tế áp dụng ở mức hơn 5,8 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm tính răn đe, không có vùng cấm, bất cứ cơ sở nào có hành vi gây mất ATTP đều bị xử lý, mục đích cao nhất là vì sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, những rủi ro do sử dụng thực phẩm vẫn còn nhiều... Ông có thể cho biết những thách thức về  ATTP đang phải đối mặt?

Vấn đề khó khăn nhất mà công tác bảo đảm ATTP phải đối mặt là kinh phí. Năm 2016, kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - Y tế chỉ mới được tạm ứng đợt 1, do vậy gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động. Đặc biệt về hoạt động truyền thông và thanh tra, kiểm tra, không có kinh phí nên hạn chế nhất định về số lượng kênh truyền thông, kế hoạch thanh tra, kiểm tra không thực hiện được.

Trong đó, việc thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng; việc thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng phụ gia thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm; cũng như thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo còn khó khăn.

Hy vọng trong năm 2017, kinh phí sẽ được cấp kịp thời và đủ để triển khai công tác bảo đảm ATTP đặc biệt phục vụ các hoạt động chính về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, truyền thông và thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt vào cuộc; đặc biệt tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy ý thức trách nhiệm của cộng đồng

Chủ đề của tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, Ông có thể cho biết vì sao Bộ Y tế lại chọn chủ đề này?

Rau, thịt, thủy sản là những thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Tuy nhiên, những thực phẩm này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trên rau, thịt, thủy sản…

Sản phẩm rau, thịt, thủy sản không bảo đảm ATTP có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các bệnh đường ruột, các bệnh mãn tính, tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, từng bước hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thực phẩm rượu, rau, thịt, thủy sản không an toàn; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến như HACCP, ISO22000, tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm rau, thịt, thủy sản trên cả nước. 

Với mục tiêu tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP tổ chức triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 với chủ đề này.

Ông có thể nói rõ hơn về những hoạt động trọng tâm triển khai trong tháng hành động vì ATTP?

Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng an toàn thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói chung và do sử dụng rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.

Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trong bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng ATTP.

Xin cảm ơn ông!