Đẩy mạnh khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Theo daibieunhandan.vn

Việc cố tình chậm trễ, trốn đóng bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Do đó để giảm nợ BHXH, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp và đơn vị tham gia BHXH, cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 2/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13 triệu người; BH thất nghiệp là 11,2 triệu người; BHXH tự nguyện là 225 nghìn người và BHYT là 76,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số; đã giải quyết chế độ BHXH cho 1,09 triệu lượt người, tăng 50 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành gặp một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng, trong khi đó vấn đề khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH vẫn còn khá nhiều vướng mắc.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ năm 2016, Liên đoàn Lao động có trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng. Song, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, dù đã có hiệu lực hơn một năm nay và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam triển khai công tác này nhưng việc khởi kiện doanh nghiệp vẫn rất khó thực hiện.
Các công việc liên quan đến khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được các cấp công đoàn thực hiện khá quyết liệt nhưng đến nay trong số hơn 144 đơn công đoàn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa có 12 đơn bị tòa án trả lại, số còn lại vẫn chưa được đem ra xét xử.

Lý giải về nguyên nhân, ông Quảng cho hay, việc công đoàn khởi kiện doanh nghiệp rất khó khăn vì phải theo quy trình tranh chấp lao động tập thể, mặt khác giữa các văn bản còn chưa đồng bộ, thống nhất, còn nhiều vướng mắc như giữa Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Nghị định 43.

Chưa kể, Công đoàn khởi kiện phải theo quy trình của tranh chấp lao động tập thể, tức là phải qua hòa giải, không hòa giải được thì Chủ tịch UBND cấp huyện đứng ra giải quyết, nếu Chủ tịch UBND cấp huyện cũng không giải quyết được hoặc quá hạn không giải quyết thì bắt đầu tiến hành thủ tục tố tụng.

Thực tế, dù sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn và BHXH rất quyết liệt nhưng kết quả để công đoàn đứng ra là nguyên đơn khởi kiện theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện chưa giải quyết được vụ nào.

Bên cạnh việc tổ chức cuộc họp liên ngành để tháo gỡ, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cũng đưa ra kiến nghị, sửa đổi, bổ sung để có sự đồng bộ về Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội nhằm tạo sự thuận lợi trong công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Cùng với đó, để giảm nợ BHXH cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp và đơn vị tham gia BHXH.