“Khổ” vì xử lý bình chữa cháy nhập lậu

Theo baohaiquan.vn

Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 6/1/2016 khiến nhu cầu tăng cao, cũng là lúc dân buôn lậu chuyển sang mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này. Lực lượng chống buôn lậu bắt giữ hàng nghìn sản phẩm bình chữa cháy nhập lậu nhưng lại vướng khi xử lý.

Lực lượng Hải quan, Biên phòng thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phối hợp xử lý bình chữa cháy nhập lậu. Ảnh do đơn vị cung cấp.
Lực lượng Hải quan, Biên phòng thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phối hợp xử lý bình chữa cháy nhập lậu. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Những tháng đầu năm 2016, trong số hàng chục loại mặt hàng tiêu dùng nhập lậu mà lực lượng Hải quan Quảng Ninh bắt giữ, có cả bình chữa cháy mini.

Chỉ sau có 2 ngày Thông tư 57 có hiệu lực, mặt hàng bình chữa cháy nhập lậu rục rịch sôi động. Chỉ tính từ 8/1 đến 13/1/2016, các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh bắt giữ 1.308 bình chữa cháy mini nhập lậu, trị giá trên 149 triệu đồng.

Điển hình là ngày 13/1, tại mép sông biên giới đoạn mốc 1367(2) thuộc khu Hồng Hà, phường Ninh Dương, TP. Móng Cái, Quảng Ninh, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) thu giữ một lượng lớn hàng hóa vô chủ gồm: 380 chiếc bình chứa cháy F1-23 loại 500 ml mới 100% do nước ngoài sản xuất.

Trước đó, ngày 11/1, tại khu vực đường biên giới trên đường Đoan Tĩnh (thuộc khu 7, phường Hải Yên, TP.Móng Cái), Đội Kiểm soát Hải quan số 1 phát hiện, thu giữ hàng hóa vi phạm gồm: 120 chiếc bình cứu hỏa mini, cất giấu cùng hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, mới 100%, đều do Trung Quốc sản xuất.

Cùng thời điểm trên, lực lượng Hải quan thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến (Quảng Ninh) đã phát hiện, xử lý 3 vụ, vận chuyển trái phép 748 chiếc bình chữa cháy loại 500ml/bình và 60 bình chữa cháy, loại 1.000ml/bình (đều chưa xác định chủ sở hữu).

Đến nay, sau hơn 2 tháng, số bình chữa cháy vi phạm vẫn nằm “án binh bất động” trong các kho chứa hàng vi phạm để chờ ngày xử lý. Như ở Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến, số tang vật bình chữa cháy cũng được xếp cùng nhiều loại hàng hóa khác do không có kho chứa hàng riêng. Để đảm bảo công tác cháy nổ, đơn vị cũng chỉ còn cách đặt các bình chữa cháy nhập lậu nơi khô ráo, thoáng mát.

Bởi thông thường bình chữa cháy dành cho ô tô được khuyến cáo nên để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào, nhiệt độ không được vượt quá 50 - 550C và tránh va chạm mạnh. Mặt khác, căn cứ quy định hiện hành thì bình chữa cháy là mặt hàng có khả năng gây mất an toàn nên khi NK phải thực hiện thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng theo một quy trình nghiêm ngặt. Chẳng ai có thể đảm bảo chất lượng của các bình chữa cháy nhập lậu? Đây cũng là lo lắng của một số cán bộ Hải quan làm công tác xử lý vi phạm trên địa bàn TP. Móng Cái về bảo quản, cũng như xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm.

Trong vai một cán bộ Hải quan làm công tác xử lý vi phạm, chúng tôi tìm đến "gõ cửa" Công ty Xử lý rác thải rắn Miền Đông (có địa chỉ trên địa bàn TP. Móng Cái). Công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm khi tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên khi được hỏi về xử lý tiêu hủy đối với các loại bình chữa cháy, chúng tôi cũng chỉ nhận được cái “lắc đầu” từ đại diện Công ty.

Ông Phạm Tiên Phong, Phó Giám đốc Công ty Xử lý rác thải rắn Miền Đông cho biết: Bình chữa cháy được xem là loại hàng hóa nguy hại đến sức khỏe con người, bởi vì chứa hóa chất nên rất khó xử lý. Công ty chưa tiếp nhận xử lý tiêu hủy đối với mặt hàng bình chữa cháy và việc xử lý cũng nằm ngoài khả năng.

Hiện việc xử lý rác thải tại Công ty mới dừng lại ở một số nhóm rác thải như rác thải sinh hoạt (thực phẩm); rác thải công nghiệp thông thường. Công ty có 3 hướng xử lý tiêu hủy đối với hàng hóa này gồm: Chôn lấp hợp vệ sinh; đốt tiêu hủy và tận dụng các chất hữu cơ đưa vào sản xuất phân bón.

Để thực hiện tiêu hủy đối với hàng nghìn chiếc bình chữa cháy nêu trên, các đơn vị có văn bản gửi Cục Hải quan Quảng Ninh để có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, lực lượng Kiểm soát Hải quan vẫn đang chủ động tham khảo, tìm đối tác xử lý.