Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi):

Quyền yêu cầu điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Một trong những điểm mới cơ bản của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là cho phép các bên gặp khó khăn có quyền yêu cầu điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Mặc dù vẫn tồn tại ý kiến trái chiều song, đa phần các chuyên gia đều cho rằng, bổ sung quy định này vào dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn, loại bỏ bất công bằng giữa các bên, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Loại bỏ bất công bằng

Một doanh nghiệp Việt Nam (bên mua) và một doanh nghiệp nước ngoài (bên bán) đã từng ký một hợp đồng 5 năm với nội dung mua bán hàng hóa cho từng năm với số lượng và giá cụ thể. Tuy nhiên, sau 2 năm, bên phía Việt Nam muốn thương lượng lại hợp đồng với lý do giá hàng hóa trên thị trường chỉ bằng 1/3 giá trong hợp đồng. Do không đạt được thương lượng, các bên đã nhờ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phân xử. Đó chỉ là một trong số ít ví dụ thực tiễn về thay đổi hoàn cảnh tác động tới quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Bộ luật Dân sự hiện hành vẫn chưa có quy định mang tính khái quát cho việc điều chỉnh lại các hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Do đó, nếu theo đúng nguyên tắc, các bên phải tuân thủ hợp đồng như đã giao kết và bất công bằng sẽ xuất hiện. Theo ví dụ nêu trên, bên mua Việt Nam phải thực hiện đúng hợp đồng là nhận đúng số lượng đã cam kết cho năm thứ ba với giá đã được các bên thỏa thuận trước đó. Ở đây, phía Việt Nam bị bất lợi rất lớn vì với số tiền như thỏa thuận trong hợp đồng, bên mua Việt Nam có thể mua được hàng hóa tương đương trên thị trường với khối lượng gấp 3 lần.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy - Công ty Luật TNHH Hoàng Long cho rằng, những rủi ro này có thể là hậu quả của sự thay đổi về tình hình kinh tế -  xã hội, đổi mới công nghệ, kỹ thuật mà các bên không thể dự đoán được khi giao kết hợp đồng, những thay đổi này làm đảo lộn sự cân bằng của hợp đồng. Hoàn cảnh thay đổi cũng có khi là do Nhà nước ban hành chính sách kinh tế hoặc pháp luật. Do đó, Điều 443 dự thảo cho phép điều chỉnh lại hợp đồng tức không buộc thực hiện hợp đồng đang tồn tại trước việc thay đổi hoàn cảnh sẽ loại trừ được bất công bằng và có thể vẫn duy trì được quan hệ hợp đồng giữa các bên.

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Theo Ts Đỗ Văn Đại - Khoa Luật Dân sự, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, khái niệm điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi bắt nguồn từ thực tiễn thương mại quốc tế, cho phép các bên gặp khó khăn được yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng khi có sự thay đổi hoàn cảnh nhưng chưa tới mức không thể thực hiện được như trường hợp bất khả kháng. Ở cấp độ quốc tế, có hai bộ nguyên tắc về hợp đồng rất nổi tiếng và có ảnh hưởng nhiều trên thế giới. Đó là Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế và Bộ Nguyên tắc châu Âu về hợp đồng. Cả hai bộ nguyên tắc này đều có quy định cho phép điều chỉnh lại hợp đồng và việc quy định về thay đổi hoàn cảnh tương ứng với xu hướng hiện đại đề xuất trao cho tòa án (trọng tài) quyền điều tiết để giảm bớt những hà khắc của tự do hợp đồng và của hiệu lực ràng buộc của hợp đồng.

Theo các chuyên gia, hiện có nhiều nước đã công nhận điều khoản của những bộ nguyên tắc này và đưa vào luật thực định để điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi nhằm mục đích phân chia hợp lý rủi ro và tái lập lại sự cân bằng của hợp đồng. Đơn cử như Bộ luật Dân sự Italy năm 1942 là bộ luật đầu tiên chấp nhận thuyết thay đổi hoàn cảnh, hay Tòa án Công lý tối cao Colombia cũng chấp nhận khả năng thay đổi hợp đồng khi trong quá trình thực hiện có một số sự kiện đặc biệt không lường trước được hay không thể lường trước được xuất hiện. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đang có xu hướng luật hóa cơ chế này. Chẳng hạn, Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự được Pháp công bố năm 2012 và 2013 liên quan đến hợp đồng, đã thấy có quy định về điều chỉnh lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi.

Bảo đảm tự do thỏa thuận

Một trong những băn khoăn lớn nhất của các chuyên gia khi đưa quy định này vào dự thảo là quy định này cho phép tòa án can thiệp nhằm chấm dứt hoặc điều chỉnh hợp đồng khi các bên không đạt được thỏa thuận. Do vậy, điều khoản đó có thể không phù hợp với bản chất của hợp đồng là tự do ý chí, tự do thỏa thuận và không khả thi trên thực tiễn.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, quy định không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do thỏa thuận hợp đồng của các bên, do Điều 443 có những quy định rất chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, trình tự (các bước) của việc điều chỉnh hợp đồng. Theo khoản 1 Điều 443, dự luật cho phép bên có nghĩa vụ do hoàn cảnh thay đổi mà việc tiếp tục hợp đồng quá bất công, có quyền đề nghị với bên kia điều chỉnh lại hợp đồng. Quy định này vẫn tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng thể hiện ở chỗ nếu không có đề nghị của bên bị thiệt hại thì dù có thay đổi hoàn cảnh, hợp đồng đã ký vẫn tiếp tục thực hiện. Mặt khác, luật cũng quy định, trước khi đề nghị tòa án can thiệp, bên đề nghị điều chỉnh hợp đồng phải chứng minh hai bên đã có một thời gian hợp lý thực hiện hợp đồng nhưng không có kết quả hoặc không được bên kia đáp ứng. Việc đưa quy định này vào không làm mất đi tính chất tự do thỏa thuận vì chỉ khi các bên không điều chỉnh hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý thì tòa án mới có quyền can thiệp để chấm dứt hoặc điều chỉnh hợp đồng theo cách công bằng nhất.

Mặt khác, việc điều chỉnh lại hợp đồng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thiện chí, theo hướng các bên không chỉ quan tâm, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn phải tôn trọng, quan tâm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Do vậy, việc bổ sung quy định này vào dự thảo luật là cần thiết, hợp lý và hợp pháp.