Siết tiền ảo để giảm rủi ro, hệ lụy cho xã hội

PV. (Tổng hợp)

Vụ vỡ đường dây đa cấp lừa đảo tiền ảo siêu khủng 15.000 tỉ đồng, khiến 32.000 nạn nhân lao đao trước nguy cơ trắng tay trở thành lời cảnh báo đắt giá cho các nhà đầu tư, người dân và chính các cơ quan quản lý. Nhằm giảm thiểu rủi ro, hệ lụy cho xã hội, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Nạn nhân tố cáo đường đây tiền ảo đa cấp lừa 15.000 tỷ đồng. tienphong.vn
Nạn nhân tố cáo đường đây tiền ảo đa cấp lừa 15.000 tỷ đồng. tienphong.vn
Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…).
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp vẫn diễn ra và có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp.
Thực trạng này có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Đỉnh điểm mới nhất là vụ việc sáng 8/4, hàng chục người dân đã kéo đến vây chặt trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo hơn 15 ngàn tỷ đồng.
Theo tố cáo của người dân, Modern Tech, Ifan và Pincoin là dự án huy động vốn gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính. Hình thức hoạt động của Công ty Modern Tech (được các công ty iFan và PinCoin ở nước ngoài ủy quyền hợp pháp tại Việt Nam) là tổ chức các sự kiện, kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin với cam kết được hưởng lợi nhuận thấp nhất là 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng.
Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống khách hàng sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Có thể nói, mức lãi suất siêu khủng đã làm mờ mắt nhiều người, khiến họ không ngại ngần bỏ ra hàng chục tỷ đồng cho thứ tiền mà họ chưa bao giờ thấy.

Theo Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin, các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán đang bị cấm nên pháp luật Việt Nam chưa có quy định trực tiếp về đồng tiền ảo (ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP và Xử lý hình sự tại tại các Điều 207 BLHS 2015).

Do nhu cầu và thực trạng phức tạp của loại giao dịch này, ngày 21/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Dự kiến, đến tháng 8/2018, Việt Nam sẽ có quy định pháp luật để điều chỉnh đối tượng tiền ảo này.

Tuy nhiên, trước diễn biến liên quan đến tiền ảo ngày càng nghiêm trọng, nhằm giảm thiểu rủi ro, hệ lụy cho xã hội, Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp tục ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, Bộ Công an tăng cường điều tra và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ siêu lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra người dân bị lừa mua Ifan và Pincoin. Lãnh đạo Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với người dân, doanh nghiệp.
Được biết, gần đây các giao dịch trực tuyến liên quan các đồng tiền ảo này đã đóng lại, không còn dấu vết để truy xuất nguồn gốc. Một số nhà đầu tư thừa nhận đã buông xuôi.