Sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước: Đi tìm lãi suất cơ bản mới

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Hiện Dự thảo Luật sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang được chỉnh lý trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong đó vẫn nổi lên vấn đề đáng quan tâm là dự thảo lần này không còn có lãi suất cơ bản. Dường như nhiều quan điểm vẫn cho rằng trong dự thảo vẫn cần phải có một thứ lãi suất nào đó mang tính chỉ đạo thị trường tiền tệ … và đó vẫn là lãi suất cơ bản nhưng phải mới hơn.

Trong một thời gian dài, để kiểm soát và điều hành thị trường tiền tệ, Luật NHNN đã đưa ra một loại lãi suất “cỏ bản" đó là thứ lãi suất đơn thuần được tính toán và công bố của cơ quan này nhằm cố gắng định hướng thị trường.

Hai quan điểm

Hiện có hai quan điểm khác nhau về lãi suất cơ bản. Hướng thứ nhất cho rằng trong dự thảo Luật không cần quy định về lãi suất cơ bản, NHNN sẽ thực hiện điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ chính sách như: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... Các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ thực hiện chính sách lãi suất thoả thuận theo nguyên tắc thị trường. Khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, NHNN sẽ can thiệp bằng cách quy định lãi suất cụ thể để cho các TCTD thực hiện. Hướng thứ hai cho rằng, NHNN cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác.

Hai hướng về quy định lãi suất trong Dự thảo dường như là khác nhau. Tuy nhiên về mục tiêu, mục đích và bản chất không có khác biệt quá nhiều.

Như vậy, lãi suất thị trường tiền tệ nhìn chung sẽ được quyết định trên cơ sở quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường có thể bị chi phối bởi chính sách lãi suất do NHTƯ, mà ở VN là NHNN (điều tiết bằng cách này hay cách khác). Lãi suất này cũng đồng thời phản ánh tính cạnh tranh giữa các TCTD. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường tín dụng (cho vay) cũng phản ánh mức độ rủi ro của nền kinh tế (ít nhất là lạm phát, mức độ rủi ro của khu vực sản xuất..). Một số quan điểm cho rằng, trong điều kiện bình thường, NHTƯ không cần thiết phải can thiệp trực tiếp lãi suất của các NHTM. Người ta cũng đồng thuận rằng, với điều kiện VN, do chính sách tiển tệ kém hiệu lực thì nhiều khi NHNN cũng cần can thiệp vào lãi suất thị trường.

Lãi suất cơ bản mới 

Về lãi suất, theo Dự thảo luật NHNN mới nhất (điều 13 của dự thảo) có quy định:" 1. Ngân hàng nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác; 2. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với các khách hàng; 3. NHNN công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng".

  Thoáng qua, dường như thấy rằng Dự thảo không còn lãi suất cơ bản nữa. Tuy nhiên phân tích kỹ về bản chất cho thấy, dự thảo luật vẫn duy trì lãi suất cơ bản nhưng có phần khác với lãi suất cơ bản cũ và đó là "đa lãi suất" cơ bản chứ không phải một lãi suất cơ bản. Hay có thể nói đây là "lãi suất cơ bản mới".

Với quy định về lãi suất trong dự thảo, có nhận định cũng rằng "Lãi suất cơ bản phải hiểu đó không chỉ là một loại lãi suất, một mức lãi suất mà là một cụm lãi suất để điều hành cho được mục tiêu về lãi suất tiền tệ", đó có thể là một nhận xét hợp lý.

Về thị trường tiền tệ VN hiện nay, thực tế cho thấy rằng chính sách tiền tệ có hiệu quả thấp hơn nhiều so với thị trường tiền tệ ở các nước công nghiệp phát triển. Sự truyền tải chính sách tiền tệ ở VN cũng khá chậm. Các NHTM VN không nhạy cảm lắm với lãi suất do NHNN đưa ra, hay lãi suất trái phiếu chính phủ (do các NHTM không nắm giữ nhiều trái phiếu)... Tuy nhiên, thị trường cũng đã phát triển có chiều sâu và khá đa dạng. Trong điều kiện đó, rõ ràng thị trường tiền tệ vẫn cần lãi suất tham chiếu có ý nghĩa định hướng hơn là một thứ "lãi suất cơ bản" cứng nhắc.

Về quy định lãi suất áp dụng ngoài khu vực ngân hàng, trong dự thảo quy định "NHNN công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng". Như vậy, NHNN vẫn phải cố gắng tính toán một thứ lãi suất nào đó trên cơ sở chủ quan và có thể làm cho thị trường thêm một loại lãi suất khác không mang tính thị trường và không phục vự nhiều cho chính sách tiền tệ. Các quan điểm cho rằng, việc hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi nên được thực hiện bằng hình thức tăng cường tính cạnh tranh và năng lực huy động và của các NHTM và cấm các tổ chức khác không phải là NHTM thực hiện nghiệp vụ cho vay (mà tinh thần này trong Dự thảo đã có).

Để đảm bảo tính minh bạch của thị trường tiền tệ và đảm bảo NHNN tập trung vào chính sách tiền tệ, các lãi suất cho các giao dịch như tính thuế (phạt nợ thuế chẳn hạn)... luật nên quy định theo hướng khác như: các cơ quan khác (cơ quan thuế) căn cứ lãi suất thị trường (của 4 NHTM lớn, hay lãi suất trái phiếu chính phủ... chẳng hạn)...  để công bố lãi suất áp dụng cho các giao dịch thuế (nợ thuế)...  Vì tính chất của các giao dịch dân sự ngoài ngân hàng không nên trộn lẫn vào điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Về lãi suất định hướng thị trường, dễ dàng nhận thấy rằng, trong Dự thảo không hề đề cập đến lãi suất trái phiếu chính phủ. Điều đó, một mặt phản ánh thị trái phiếu chính phủ còn quá kém phát triển, quy mô quá nhỏ (mức vốn hoá chỉ khoảng 10% GDP, các NHTM cũng nắm giữ rất ít trái phiếu chính phủ); mặt khắc cũng phản ánh khả năng còn khó khăn trong việc đưa lãi suất trái phiếu chính phủ vào cùng với các lãi suất khác do NHNN trực tiếp điều hành, để tạo nên hệ thống lãi suất chủ chốt có tính chất định hướng thị trường thực sự. Vì kinh nghiệm cho thấy, lãi suất trái phiếu chính phủ được coi là lãi suất tham chiếu rất quan trọng của thị trường tiền tệ và thị trường tài chính.

ThS Lê Văn Hinh