Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản


Ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán.
Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán.

Thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Trong đó, xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán...

Cá biệt, còn có hiện tượng nhóm tội phạm còn kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý. Ngoài ra, họ còn lợi dụng hoạt động họ, hụi, hoạt động phòng, chống dịch bệnh… để lừa đảo.

Nhằm phòng ngừa và ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình. Việc này để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Chỉ thị đã xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu nêu cao cảnh giác, chấp hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán...; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án. Phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), các hình thức thanh toán mới chưa có quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp, các thông tin có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý. Chỉ đạo lực lượng công an địa phương tấn công, trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; định kỳ hằng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.