Mua giải pháp công nghệ có được chỉ định thầu?

Theo chinhphu.vn

Việc mua giải pháp công nghệ từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác thì được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Năm 2016, Ngân hàng liên doanh Việt Nga có đầu tư giải pháp công nghệ quản lý mối quan hệ khách hàng của nhà thầu A (giải pháp này được nhà thầu A mua bản quyền của Oracle là đối tác nước ngoài). Đến cuối năm 2017, một số tính năng không hiệu quả như: Ngôn ngữ/ giao diện khó sử dụng; USER sử dụng hạn chế, muốn sử dụng phải trả thêm tiền ngoài chi phí hàng năm hơn 40.000 USD; Ngân hàng cần khai thác thêm một số tính năng thì không được phép.

Với hạn chế trên, nhà thầu A đã đề xuất cung cấp giải pháp CRM mới của nhà thầu A (không phải của Oracle) thay thế cho giải pháp trước đây.

Sau 6 tháng vận hành thử, Ngân hàng thấy tính khả thi và hiệu quả của giải pháp này tốt và phù hợp hơn. Giải pháp này cũng tương thích với hệ thống công nghệ Ngân hàng đang vận hành để cập nhật và khai thác dữ liệu phục vụ cho quản lý khách hàng, đồng thời chi phí thấp hơn nhiều. Do vậy Ngân hàng quyết định mua giải pháp này.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Ngân hàng đề nghị giải đáp, căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu, thì Ngân hàng có được phép chỉ định thầu không? Hiểu khái niệm tương thích về công nghệ, bản quyền như thế nào cho đúng với văn bản quy định? Trường hợp chào thầu cạnh tranh có vi phạm quy định không vì Ngân hàng liên doanh Việt Nga chỉ sử dụng giải pháp mua từ nhà thầu trên?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu quy định một trong các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu là gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, đối với câu hỏi trên, việc mua giải pháp công nghệ từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác thì được áp dụng chỉ định thầu theo quy định nêu trên.

Việc chỉ định thầu phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 22 Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, hình thức chào hàng cạnh tranh được áp dụng nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu và Điều 57 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Người có thẩm quyền chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 74 của Luật Đấu thầu.