Ngân hàng Nhà nước: Không có quy định về xóa nợ gốc

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi kiến nghị của Công ty cổ phần Vĩnh An (Vĩnh Phúc), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Luật Các tổ chức tín dụng không có quy định về xóa nợ gốc, trường hợp Công ty gặp khó khăn thì làm đề nghị gửi các tổ chức tín dụng để được xem xét miễn, giảm lãi suất, phí vốn vay theo quy định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo phản ánh của Công ty cổ phần Vĩnh An, trước đây Công ty là Xí nghiệp Cơ khí Tam Canh (doanh nghiệp Nhà nước). Năm 1999, Công ty được UBND tỉnh đầu tư Dự án “Dây chuyền sản xuất Băng dính cuộn công suất 14 triệu m2/năm” bằng vốn vay ODA Ấn Độ và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khách quan từ nhà thầu thiết bị Ấn Độ, Dự án đã chậm tiến độ. Đến năm 2002, Dự án mới được tiếp tục giải ngân và hoàn thành vào tháng 12/2003.

Do thời gian thực hiện Dự án kéo dài, Công ty phải chịu toàn bộ vốn, lãi vay và từ tháng 1/2004 đã phát sinh nợ quá hạn. Năm 2005, Công ty thực hiện cổ phần hóa và đã nhận nợ từ Công ty Nhà nước. Đến nay, Công ty chưa được xử lý tài chính sau khi cổ phần hóa như trong phương án UBND tỉnh đã phê duyệt. Công ty đã ngừng sản xuất từ tháng 2/2013 và không có khả năng trả các khoản nợ.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Công ty cổ phần Vĩnh An đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép Công ty sử dụng khoản tiền bán tài sản và Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để trả nợ và xóa các khoản nợ (gốc, lãi phạt, lãi treo) còn lại của các tổ chức tính dụng và các khoản công nợ khác.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:

Đối với khoản nợ của Công ty cổ phần Vĩnh An tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Công ty cần báo cáo, kiến nghị cụ thể gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Bộ Tài chính để được xem xét xử lý theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ–CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Đối với khoản nợ tại các tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng không có quy định về xóa nợ gốc. Do vậy, đề nghị của Công ty cổ phần Vĩnh An về việc xóa các khoản nợ gốc tại các tổ chức tín dụng là không có cơ sở pháp lý để xem xét.

Về việc xóa nợ lãi, Luật Các tổ chức tín dụng quy định, tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

Trường hợp, Công ty cổ phần Vĩnh An gặp khó khăn, Công ty cần báo cáo và đề nghị cụ thể gửi các tổ chức tín dụng để được xem xét miễn, giảm lãi suất, phí vốn vay theo quy định.

Kiến nghị cho phép được dùng khoản tiền bán các tài sản khác và Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo ý kiến Ngân hàng Nhà nước, việc bán tài sản và sử dụng số tiền từ bán tài sản, Công ty cổ phần Vĩnh An cần căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật khác có liên quan và các cam kết, thỏa thuận khác của doanh nghiệp để xử lý.