ADB: Nguồn kiều hối của các nước châu Á suy giảm do Covid-19

Theo K.Dung/vietnamplus.vn

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, ADB cho biết dòng kiều hối chuyển vào châu Á trong năm 2020 có thể giảm 54,3 tỷ USD, tương đương khoảng 20% mức hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo mới nhất vừa công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, nguồn kiều hối trên thế giới có thể giảm 108,6 tỷ USD trong năm nay, chủ yếu do số người mất việc làm ngày càng tăng và các chủ sử dụng lao động cắt giảm tiền lương giữa lúc dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế.

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố ngày 3/8, ADB cho biết dòng kiều hối chuyển vào châu Á trong năm 2020 có thể giảm 54,3 tỷ USD, tương đương khoảng 20% mức hiện nay.

Nguồn kiều hối đổ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được ghi nhận ở mức 315 tỷ USD trong năm 2019, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa tại một số nền kinh tế đang phát triển của khu vực này.

Báo cáo của ADB nhận xét đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động mạnh đến dòng kiều hối chuyển về khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ADB, các nước đang đối mặt với tác động “nghiêm trọng hơn” là những quốc gia có tỷ trọng kiều hối trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tính trên đầu người cao, điển hình là Tonga, Samoa và các quốc gia khác ở khu vực Thái Bình Dương.

Nguồn kiều hối của những nước gửi số lượng lớn lao động di cư theo vụ mùa và dài hạn như Georgia, Kyrgyzstan, Tajikistan hay Nepal và Philippines cũng sẽ chịu tác động mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia ADB, lao động nhập cư là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, khi họ bị mất việc làm và bị hạn chế tiếp cận những sự hỗ trợ từ xã hội. Điều này gây tác động không nhỏ đến lược kiều hối gửi về các quốc gia.

Báo cáo của ADB nhận định, trong kịch bản tồi tệ nhất, các nước có thể phải mất một năm mới có thể khống chế được dịch bệnh và khôi phục các hoạt động kinh tế. Ngay cả khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, hiện vẫn chưa rõ khi nào các nền kinh tế mới có thể phục hồi hoàn toàn./.