Đã đến lúc trở lại lãi suất thỏa thuận?

.

Mặc dù NHNN vừa tuyên bố hạ LSCB xuống mức 12%/năm, nhưng dư luận vẫn đang phỏng đoán về một mức lãi suất thấp hơn có thể sẽ sắp được công bố. Tuy nhiên, đã có những câu hỏi về hiệu quả của việc thay đổi lãi suất đến nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

 

Lãi suất cho vay hạ, dư nợ vẫn sụt giảm

Có thể tóm tắt diễn biến lãi suất (LS) kinh doanh của NH trong năm 2008  như sau: Trong những tháng đầu, tình hình lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt (tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc) khiến các NH phải  liên tục tăng lãi suất huy động, hệ quả tất yếu LS cho vay cũng bị đẩy lên rất cao (có thời điểm, LS danh nghĩa cộng phí 23%-24%/năm). Thời gian đó, DN và cá nhân, hộ gia đình rất cần vốn nhưng các NH không dám cho vay ra do nguồn vốn hạn chế và hệ thống gặp khó khăn thanh khoản.

Đến tháng 9 và đầu tháng 10,  tình hình huy động vốn của các NH dần ổn định nhưng dư nợ toàn hệ thống vẫn tăng thấp. Nguyên nhân do LS cho vay quá cao (trần 21%/năm), DN không muốn vay vì lo không còn lợi nhuận, không trả được nợ. Nhiều DN tìm kiếm các nguồn vốn khác để trả nợ khi đến hạn và không vay tiếp tục.

Một số DN đã vay vốn  từ năm 2007, hoặc 2 tháng đầu năm 2008 với mức LS thấp (khoảng 11%-13,5%/năm) thì chịu nợ quá hạn vì phải trả 150% LS cho vay (cũ) vẫn rẻ hơn LS cho vay của  NH áp dụng từ tháng 3/2008 đến nay. Những DN đã phải vay với LS cao gặp nhiều khó khăn để đảm bảo được lợi nhuận, một số không nhỏ DN đã bị thua lỗ.

Chính vào thời điểm này, nợ quá hạn của nhiều NH đã gia tăng ở mức độ cảnh báo. Từ cuối tháng 10, NHNN giảm các mức lãi suất chủ chốt, giảm tỷ lệ DTBB… nguồn vốn NH được cải thiện, chi phí vốn giảm, LS cho vay giảm nhưng dư nợ của nhiều NH vẫn không tăng lên được, ở một số NH lại có dấu hiệu sụt giảm, nợ quá hạn tiếp tục tăng khiến NH lại phải thận trọng hơn trong hoạt động tín dụng để tránh rủi ro.

Công cụ lãi suất đã giảm hiệu quả?

Trong lịch sử tài chính hiện đại thì chỉ khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng thì NH Trung ương của các nền kinh tế lớn mới cùng cắt giảm LS. Tháng 12 năm 1998, 12 nước trong liên minh châu Âu cùng hạ LS vào ngày mùng 3 của tháng. Một tuần trước đó các nước khác trên thế giới cũng hạ LS. Và gần đây nhất từ trung tuần tháng 10/2008 đến nay trong  bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lan rộng ra toàn cầu một loạt NH Trung ương các nước cũng đã phải cắt hạ LS.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế hình như đã làm mất tác dụng của chính sách cắt giảm LS của NH Trung ương các nước. Kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp. VN cũng không là ngoại lệ. Cách đây chừng 2 tháng, một số chuyên gia NH đã từng nhận định có lẽ đến lúc chính sách lãi suất không còn nhiều tác động đến nền kinh tế. Điều đó nay có vẻ như đã được chứng minh.

Cho dù từ 21/10 đến 5/11, NHNN đã liên tục 2 lần giảm LSCB và mức LS cho vay của NHTM cũng liên tục giảm, nhưng dư nợ vẫn tăng rất thấp. Hàng hóa khó tiêu thụ, giá bán thấp hơn giá thành (chứ không phải vấn đề lãi suất) đã khiến một số DN không muốn vay vốn nữa.

Kinh tế toàn cầu suy thoái, doanh nghiệp dù có ích lợi từ lãi suất giảm, lạm phát giảm và giá trị tiền đồng lợi hơn (rẻ đi) thì chưa chắc sản xuất ra đã có nguồn cầu. Có nhiều DN phải sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Bản thân ngân hàng cho vay tín dụng bây giờ cũng rất khó vì rất ít DN dám vay vì họ không giải quyết được câu hỏi vay để làm gì? Bán cho ai? Người bán có tiền để trả không?

Cho đến quý III/2008 cho dù báo cáo tài chính của nhiều DN vẫn thể hiện kết quả kinh doanh tốt, song tỷ lệ các khoản phải thu nhiều, tồn kho nhiều... chưa kể đầu tư tài chính. Nhiều báo cáo lưu chuyển tiền tệ của DN có dòng tiền SX - KD âm. Điều đó thể hiện doanh thu là do hạch toán từ các đơn hàng đã ký mà ra. Với diễn biến kinh tế biến động phức tạp, viễn cảnh nhiều DN mua hàng không thanh toán được nợ là rất có thể. Lúc đó các khoản doanh thu đã hạch toán chỉ là “ảo”, lãi giả, lỗ thật.

Ngay báo cáo tài chính của một số NH cũng vậy. Nguyên tắc kế toán dồn tích (dự thu, dự chi) đã không phản ánh thực chất dòng tiền của các NH. Khoản chi thì chắc chắn phải chi, khoản thu (từ cho vay, đầu tư…) thì lại chưa chắc đã thu được.

Nên trở lại cơ chế lãi suất thỏa thuận?

Mặc dù với mức LS cho vay hiện nay nhiều NH hầu như không có lãi nhưng với DN thì LS vẫn quá cao. NH cũng chưa thể hạ thấp LS được ngay do chi phí huy động vốn đang còn cao, như vậy LS cho vay  chỉ có thể giảm từ từ. Theo thông tin gần nhất thì Vietcombank vừa công bố mức LS cho vay VND thấp nhất chỉ còn 13,5%/năm (tương đương mức lãi suất cuối năm 2007).

Nhiều người đã đặt câu hỏi đâu là “đáy” LS cho vay NH trong thời gian thời gian tới? Cá biệt  không nói, nhưng mức “đáy” LS cho vay phổ biến của các NH sẽ chỉ có thể từ 13%-14%/năm. Nếu thời gian tới, NHNN hạ mức LSCB về 10% thì trần LS cho vay là 15%. Nếu chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2008 và tháng 1/2009 không tăng được, hoặc âm thì mức LSCB có lẽ buộc phải hạ tiếp về mức 8%-9%

Hành động như vậy, tuy có thể tiếp tục “ép” mức LS cho vay của các NHTM xuống tiếp nhưng theo ý kiến nhiều NHTM và các chuyên gia tài chính có thể sẽ đẩy một số NHTM đến tình trạng thua lỗ. Các NHTM đang muốn NHNN có các giải pháp khác linh hoạt và hợp lý hơn cho cả NH và khách hàng.

Trong khi đó NHNN áp dụng mức LS trần chung cho tất cả các loại hình tín dụng là không hợp lý vì một món vay nhỏ cho cá nhân, hộ gia đình tốn chi phí quản lý gấp nhiều lần so với chi phí bình quân cho số tiền vay đó nếu là dự án lớn hàng trăm tỷ đồng. Mức LS cho DN hiện nay khoảng 16%-18%/năm có thể là cao, nhưng các khoản cho vay tiêu dùng thì LS có đến 30%/năm có khách hàng vẫn vay (ví dụ chi tiêu qua thẻ tín dụng 5 triệu đồng/tháng mà trả lãi 125 ngàn đồng thì chấp nhận được).

Một số NH cho rằng LSCB chỉ là LS định hướng, NHNN nên ban hành nhiều mức trần LS cho các sản phẩm tín dụng khác nhau. Quốc hội nên sửa Luật Dân sự theo hướng chỉ quy định trần LS đối với các tổ chức và cá nhân không phải là TCTD để ngăn chặn việc cho vay nặng lãi. Về phía các TCTD cho phép thực hiện cơ chế thỏa thuận như giai đoạn tháng 6/2002 đến tháng 5/2008.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN, cũng đã có đề xuất trở lại nguyên tắc lãi suất thỏa thuận cả huy động lẫn cho vay vì “ LS thỏa thuận tạo cơ hội cho thị trường đưa ra những tín hiệu đúng để phân bổ cho các nguồn lực trong kinh tế. Nó cũng là bộ giảm xóc để hệ thống NH giảm bớt chấn động của môi trường kinh doanh trong và ngoài nước, thích ứng linh hoạt với tương quan cung cầu về vốn trong từng thời điểm, và tránh những tác động tâm lý bất lợi không đáng có mỗi lần phải điều chỉnh tăng hay giảm LSCB, mà thực chất trần LS cho vay do bị gắn chặt với quy định của Bộ luật Dân sự ”.

“LS thỏa thuận tạo cơ hội cho thị trường đưa ra những tín hiệu đúng để phân bổ cho các nguồn lực trong kinh tế. Nó cũng là bộ giảm xóc để hệ thống NH giảm bớt chấn động của môi trường kinh doanh trong và ngoài nước, thích ứng linh hoạt với tương quan cung cầu về vốn trong từng thời điểm, và tránh những tác động tâm lý bất lợi không đáng có mỗi lần phải điều chỉnh tăng hay giảm LSCB, mà thực chất trần LS cho vay do bị gắn chặt với quy định của Bộ luật Dân sự” - Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN

Theo Trịnh Ngọc Lan (vnn.vn)