Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2018 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nóng hơn và Mỹ cũng đang kiểm soát gắt gao đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là các thương vụ thâu tóm của các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực nhạy cảm.

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2018. Nguồn: internet
Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2018. Nguồn: internet

Cụ thể, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm tới 92% so với cùng kỳ năm 2017 và mức thấp nhất trong 7 năm qua, theo một báo cáo của Rhodium Group, một công ty nghiên cứu chuyên theo dõi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh - Ảnh 1
(Năm 2018 là từ tháng 1 đến tháng 5. Nguồn: Rhodium Group)

“Cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính quyền Trump trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã gây ra một số nghi ngại, trong tâm trí các công ty, về vị trí của họ ở đây”, Thilo Hanemann - Giám đốc của Rhodium Group và là một trong những tác giả của báo cáo cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực thay đổi những gì ông gọi là thực tiễn thương mại “không công bằng” của Trung Quốc và xem đó là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm nay.

Theo đó, mới đây ông đã bật đèn xanh cho việc áp thuế quan 50 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7 tới. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế quan bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nếu nước này có động thái trả đũa và không thay đổi chính sách công nghiệp của mình và giảm thâm hụt thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không chịu lép vế khi cáo buộc Mỹ đã khơi mào cho một cuộc chiến thương mại, đồng thời tuyên bố sẽ áp thuế quan lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thuế quan này cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 6/7 như thuế quan của Mỹ. Trước đó, Trung Quốc cũng đã có hành động đáp trả đối với động thái áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Mỹ vào đầu năm nay.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến doanh nghiệp hai nước không khỏi lo ngại khi đầu tư vào nhau. Trong khi đó, môi trường pháp lý cho đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States - CFIUS) - một ban điều hành liên ngành do Bộ Tài chính chủ trì - sẽ ngăn cản một số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài nhằm kiểm soát của một doanh nghiệp Mỹ với lý do an ninh quốc gia.

Ủy ban này đã hoạt động tích cực hơn dưới thời ông Trump. Các chuyên gia cho rằng, CFIUS đã kiểm tra một số lượng lớn hơn các giao dịch, và kiểm soát đặc biệt chặt chẽ các hoạt động thâu tóm có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với các công nghệ nhạy cảm hoặc dữ liệu cá nhân trên người Mỹ.

Theo đó, một số giao dịch lớn liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc đã bị ngăn cản trong nửa đầu năm 2018, trong đó có thương vụ Ant Financial – một công ty thuộc Tập đoàn Alibaba – thâu tóm Moneygram dù Ant Financial đã nâng giá mua lên 1,2 tỷ USD để cạnh tranh với công ty chuyển tiền Euronet của Mỹ. Hay như thương vụ và Tập đoàn HNA Group tìm cách mua lại cổ phần tại SkyBridge Capital, quỹ đầu tư của Anthony Scaramucci, nhân vật đóng vai trò giám đốc truyền thông của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tính chung, tổng giá trị các thương vụ thâu tóm đã bị CFIUS ngăn cản trong 5 tháng đầu năm 2018 là hơn 2 tỷ USD, theo phân tích của Rhodium Group. “CFIUS và các nhà quản lý khác của Mỹ cũng là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc”, báo cáo cho biết.

Ngoài ra việc Trung Quốc hạn chế đầu tư ra nước ngoài cũng là một yếu tố khiến đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh, Hanemann nói. Theo đó, từ một năm rưỡi trước Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra, kể cả qua kênh đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh các biện pháp ngăn chặn các tập đoàn lớn vay nợ quá mức. Vào năm 2017, Bắc Kinh cho biết sẽ hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài vào các ngành như bất động sản, khách sạn và giải trí.

Hiện nhiều công ty Trung Quốc “vẫn còn bị ràng buộc” bởi những quy định này, nghiên cứu Rhodium cho biết. Trên thực tế, một số tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, bao gồm cả HNA, đang bắt đầu bán tài sản của Mỹ để trả nợ. “Các công ty Trung Quốc không chỉ đầu tư ít hơn, mà họ còn đang thoái vốn khỏi tài sản của Mỹ với tốc độ nhanh chưa từng có kể từ đầu năm 2018”, báo cáo cho biết.

Cụ thể theo Rhodium Group, các công ty Trung Quốc đã bán khoảng 9,6 tỷ USD tài sản của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra còn khoảng 4 tỷ USD tài sản rao bán khác vẫn đang chờ xử lý.

Đầu năm nay, Rhodium Group cũng đã chỉ ra những biện pháp tiếp tục hạn chế đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến đầu tư vào Mỹ của Trung Quốc giảm tới 36% từ năm 2016 đến năm 2017.

Diễn biến này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục với tốc độ nhanh hơn khi mà căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang và phía Mỹ cũng đang kiểm soát chặt hoạt động thâu tóm của các doanh nghiệp Trung Quốc. CFIUS được dự báo sẽ mạnh tay hơn khi việc mở rộng quyền lực cho cơ quan này đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ và các quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump.

Chính quyền Trump cũng đã tuyên bố sẽ công bố những hạn chế mới đối với đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ vào ngày 30/6 tới. Mặc dù cho đến nay, chi tiết về những hạn chế này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng rõ ràng đó là một trở ngại lớn đối với đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.