Khủng hoảng làm teo tóp các quỹ hưu

TBKTSG

Do thị trường tài chính khủng hoảng, hiện có 51 triệu người Mỹ gửi tiền vào các quỹ hưu tư nhân để đầu tư vào chứng khoán bị thua lỗ. Số tiền hao hụt của mỗi cá nhân tính ra phải mất đến hàng năm trời tiết kiệm.

Theo Ủy ban ngân sách của Thượng viện Mỹ, các quỹ này mất tổng cộng 2.000 tỉ đô la trong vòng 15 tháng (chiếm 20% giá trị). Những người hưởng lương còn trẻ thì có thể bù đắp thiếu hụt bằng cách làm việc cật lực, nhưng những người chuẩn bị về hưu trong vài năm nữa đang tính đến việc lùi thời điểm về hưu, thậm chí có người dự kiến đến 80 tuổi mới nghỉ làm!

Khi khủng hoảng nổ ra, cả hệ thống hưu bổng bằng vốn hóa thu nhập bị rúng động. Tại Mỹ, hệ thống an sinh xã hội cho phép lãnh tiền hưu, nhưng số tiền được cấp - tương đương trung bình 40% lương – thường không đủ và không phải ai cũng được hưởng mức này.

Vì vậy, hầu như những người hưởng lương đều góp tiền vào các quỹ hưu theo hai cách: hoặc đóng một số tiền định kỳ cho doanh nghiệp cam kết trả tiền hưu theo mức ấn định trước theo các kế hoạch lợi nhuận đảm bảo (nếu doanh nghiệp không thể làm được, tổ chức Pension Benefit Guaranty Corporation của nhà nước sẽ làm thay), hoặc gửi tiền theo lựa chọn của mình vào một quỹ không được bảo hiểm nhưng linh hoạt hơn và nhận lúc về hưu số tiền mà quỹ này sinh lãi nhờ đầu tư.

“Hiện nay, cơn bão tài chính làm xuất hiện những vết nứt của cả hệ thống”, nhà kinh tế Thomas Philippon, giáo sư đại học New York kết luận. Ông cho biết các kế hoạch đảm bảo lợi nhuận đang gây khó khăn cho công ty, như trường hợp General Motors, vì chính công ty phải tài trợ cho những trường hợp nghỉ hưu trong lúc khủng hoảng làm teo tóp thu nhập của mình. Vì vậy, người ta đang xem xét lại ý tưởng tài trợ cho chuyện về hưu chỉ bằng vốn hóa thu nhập phổ biến bấy lâu nay.

Tất cả các nước đang áp dụng hệ thống tương tự ở Mỹ đều gặp phải vấn đề rắc rối này. Tại Chilê với hệ thống được tư nhân hóa trong những năm 1980, các quỹ hưu trí bị mất 20% giá trị. Tại Argentina, chính phủ thậm chí quyết định quốc hữu hóa hệ thống quỹ tư nhân và sử dụng 26 tỉ đô la do các quỹ quản lý để lập ra một chế độ thuộc nhà nước. Nhưng vấn đề là người ta không biết chính phủ làm thế để bảo vệ người gửi tiền hay muốn quản lý vốn của họ. Cuộc khủng hoảng khiến Argentina gặp khó khăn về tài chính và nước này đã thông báo sẽ thu hồi từ Brazil 544 triệu đô la tiền quỹ hưu trí để củng cố thị trường vốn trong nước.

Tại châu Âu, các nước như Anh, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển hoặc Phần Lan cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nặng nhất là ở Ba Lan, Hungary và Công hòa Séc. Tại đây, hệ thống quỹ hưu trí mới bị tư nhân hóa để giúp giải nợ của nhà nước và theo các khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế). Trái với các quỹ ở Anh hoặc các quốc gia phương Bắc, các quỹ này không tích tụ đủ vốn để kháng cự lại cuộc khủng hoảng sâu nặng và kéo dài.