Lạm phát đang trở lại

Theo ĐTCK

Sau một giai đoạn dài lạm phát không phải là một nỗi lo, việc tăng giá hàng hóa gần đây có thể là một cơn gió nóng đang tới gần.

Kể từ khi kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục yếu ớt vào tháng 6/2009, phần lớn các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng lạm phát vẫn kiểm soát được nhưng theo Ông John Rohlfs, chủ tịch công ty Connecticut Plastics thì không chắc như vậy.

Hoạt động kinh doanh của Connecticut Plastics đang phát triển mạnh. Công ty gần đây đã thuê nhiều lao động mới và mua thiết bị mới để đáp ứng các đơn đặt hàng cho các thiết bị nhựa được sử dung trong nhiều nơi từ giàn khoan dầu cho tới thiết bị y tế. Nhưng khi đơn đặt hàng tăng, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng. Cầu tăng và giá dầu cao đã làm giá nhựa tăng và phần lớn công ty sẽ chuyển giá cao này sang cho khách hàng. “Chúng tôi đang làm vậy nhưng tôi nghĩ nó không thể kéo dài mãi,” Rohlfs nói.

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,4% trong tháng 1/2011. Phần lớn việc tăng này là do giá năng lượng và lương thực tăng cao nhưng nếu trừ các yếu tố này thì lạm phát lõi (core inflation) cũng đã tăng 0,2%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2009.

Con số CPI được đưa ra sau khi số liệu trước đó cho thấy sau nhiều tháng tăng giá dầu, bông, ngũ cốc, lúa mì và các loại hàng hóa khác, giá bán buôn trong tháng 1/2011 cũng đã tăng ở mức mạnh nhất trong vòng 2 năm qua.

“Lạm phát Mỹ không đến từ trong nước, mà do giá hàng hóa quốc tế tăng cao do nhu cầu cao từ các nước đang phát triển,” Nigel Gault, kinh tế trưởng tại IHS Global Insight, nói.

Kể từ khi kết thúc suy thoái kinh tế, doanh nghiệp đã cố gắng tránh tăng giá sản phẩm, cho dù giá đầu vào đã làm giảm lợi nhuận biên.

Nếu xét trong chu kỳ kinh tế hiện tại thì lạm phát vẫn thấp nhưng chứng cứ cho thấy lạm phát lõi đang gia tăng nhanh. Trong vòng 6 tháng qua, CPI tổng (headline inflation) đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn là do giá năng lượng và giá lương thực. Thật không may là chúng ta không thể bỏ qua yếu tố này khi mà chúng ta sống không thể thiếu lương thực và năng lượng.

 

Nếu cố gắng bảo vệ quan điểm lạm phát lõi vẫn đâu đó trên dưới 1% là vẫn ổn, không đáng lo ngại có thể là một quan điểm chưa hẳn đã đúng. Tất cả các yếu tố cấu thành lên lạm phát đều đã tăng, trong khi đó các loại tài sản nhạy cảm khác (vàng, hàng hóa, USD) đều đang phản ánh sự giảm sức mua của đồng USD, điều vốn được cho là yếu tố cơ bản của lạm phát.  

 

Có thể Fed đã sai khi sức ép lạm phát đang gia tăng tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, khiến nhiều ngân hàng trung ương phải thắt chặt tiền tệ sớm. Trung Quốc đã thắt chặt tiền tệ từ hơn 1 năm trước và gần đây vẫn rất mạnh mẽ trong thặt chặt tiền tệ.

Lo lắng lạm phát tại Ấn Độ cũng đã lan rộng ra tại châu Á, sang Nga, tới Brazil, Nam Mỹ và cả châu Phi. Tuần qua, nước Anh công bố lạm phát tăng 4% trong tháng 1, tăng từ 3,7% trong tháng 12, so với mức 2% mà nước Anh cho là ổn. Lạm phát khu vực châu Âu hiện là 2,4%, cao hơn mức mục tiêu 2% cho tháng 1. Lạm phát của Trung quốc cũng tăng 4,9% trong tháng 1, hơn mức 3% dự kiến.

Trong khi đó chủ tịch World Bank cũng cảnh báo là giá lương thực thế giới đã ở mức nguy hiểm và có thể gây ra bất ổn chính trị. Giá lương thực đã tăng 29% trong 12 tháng qua. “Các thị trường mới nổi đang hoạt động (kinh tế) ở mức gần đạt công suất 100% và gặp rủi ro quá nóng (overheating). Đây chính là rủi ro lạm phát,” giám đốc điều hành Citigroup, ông Vikram Pandit, nói.

Chủ đề lạm phát cũng được thảo luận tại cuộc họp của nhóm các nước G20 cuối tuần qua khi nó không còn là vấn đề của riêng nước Mỹ. Trong cuộc họp gần đây của G20, chủ đề chiến tranh tiền tệ là chủ đề nóng, nhưng bây giờ câu chuyện nóng chính là lạm phát.

 

Rất có thể Fed sẽ lặp lại sai lầm và Fed đang bên bờ vực của bong bóng như đã từng xảy ra với bong bóng thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất. Lần này sẽ là bong bóng lạm phát, đặc biệt là bong bóng hàng hóa. 

 

 

Khi lợi nhuận biên bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa đầu vào cao, chi phí lao động thấp cũng giúp phần nào. Chi phí lao động được cho là sẽ còn thấp khi tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Đó là lý do vì sao nhiều nhà kinh tế và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn không lo lắng về lạm phát.

“Quá sớm để hoảng sợ khi chỉ dựa trên số liệu 1 tháng. Sẽ không có sức ép lạm phát nếu như chi phí lương chưa tăng cao,” một nhà kinh tế nói.