Năm 2019, các nước phát triển giảm tốc độ tăng trưởng

Theo Đỗ Cao/saigondautu.vn

Dự báo về kinh tế thế giới trong năm 2019, mạng tin wallstreetcn.com nhận định, do tác động từ sự phục hồi bấp bênh và khủng hoảng quay trở lại trên phạm vi toàn cầu, động lực phục hồi kinh tế của thị trường các nước phát triển, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, có thể sẽ giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Mỹ: Bước ngoặt theo chu kỳ

Năm 2019, cùng với tổn thất do ảnh hưởng của chính sách chiến tranh thương mại tăng nhanh rõ rệt, sự suy giảm dần vai trò của gói kích thích tài chính gây bội chi ngân sách trước đó, cũng như sự bình thường hóa của chính sách tiền tệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thúc đẩy ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ bước qua giai đoạn đỉnh cao và dự báo sẽ quay trở lại lộ trình tăng trưởng, phục hồi chậm trong thời gian dài.

Cụ thể, từ tháng 6/2018 đến nay, các chỉ số hàng đầu ngắn hạn và dài hạn của kinh tế Mỹ đã bị chệch hướng. Dự báo, 6 tháng cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm dần, báo hiệu bước ngoặt của chu kỳ đang đến gần. Năm 2019 và 2020 được cho là sẽ lần lượt tạo thành nửa đầu và nửa cuối của bước ngoặt chu kỳ lần này của Mỹ. Kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc nhưng không mất đà tăng trưởng mà sẽ đạt mức tăng trưởng đi ngang trong dài hạn, nhưng mức tăng trưởng vẫn ổn định, tốc độ tăng trưởng thực tế cả năm dự báo là 2,6%.

Trong khi đó, quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc dự kiến sẽ xuất hiện cục diện “sức ép trong ngắn hạn dịu đi, cuộc đọ sức trong dài hạn kéo dài”. Khả năng Trung Quốc và Mỹ thỏa thuận được một phần nào đó là khá lớn, nhưng xác suất đạt được thỏa thuận toàn diện rất nhỏ.


Châu Âu: Tiếp tục đối phó với chủ nghĩa dân túy

Về tăng trưởng, sự phục hồi của châu Âu quay trở lại trạng thái yếu do chịu ảnh hưởng của 3 nhân tố lớn. Thứ nhất, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục quay trở lại trạng thái phục hồi khá yếu. Thứ hai, những cải cách về mặt cơ cấu khó được tiếp tục. Đối với nền kinh tế châu Âu có dân số già hóa, lực lượng lao động là nhân tố quan trọng nhất trong nền kinh tế. Được hưởng lợi từ hàng loạt cải cách thị trường lao động của các nước thành viên trong giai đoạn 2008-2014, nhưng trong giai đoạn phục hồi mạnh 2017-2018, cải cách mang tính cơ cấu sau đó lại chưa có đột phá lớn, dẫn đến năng suất lao động bắt đầu giảm xuống vào năm 2017, làm suy yếu đà phục hồi. Thứ ba, sức ép bên ngoài dần gia tăng. Cùng với tốc độ trả giá của chiến tranh thương mại thế giới sẽ gia tăng rõ rệt vào năm 2019, nền kinh tế châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, khiến rủi ro khu vực chuyển từ ít sang nhiều, từ ngắn hạn chuyển sang dài hạn.

Nhật Bản: Đối mặt nhiều khó khăn

Kinh tế Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019 khi nhu cầu xuất khẩu chậm lại, thị trường tài chính bất ổn và thách thức lớn nhất là tăng thuế tiêu thụ. Việc tăng thuế tiêu thụ từ ngày 1/10/2019 (từ 8% lên 10%) có thể làm giảm đà tăng này. Việc tăng thuế giá trị gia tăng trước đó cũng đã khiến chi tiêu của các hộ gia đình giảm mạnh, khiến cho hoạt động kinh tế trở nên khó khăn. Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật Bản lại giảm do nhu cầu giảm đối với các linh kiện sử dụng trong điện thoại thông minh như chất bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng, thậm chí có thể giảm hơn nữa do đồng yên tăng mạnh, khiến các sản phẩm của Nhật Bản giảm sức cạnh tranh ở nước ngoài.

Dù chi tiêu kinh doanh vẫn mạnh nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cao kỷ lục và sự bùng nổ các hoạt động xây dựng trước Olympic Tokyo 2020, song niềm tin giới kinh doanh lại suy yếu do sự bất ổn liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhân tố khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu hồi tháng 10/2018. Các nhà phân tích cho rằng, những rủi ro tiềm ẩn như vậy đồng nghĩa với việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) khó có thể áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ.