Nhân dân tệ "tuột dốc" có ảnh hưởng đến Việt Nam?
Cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không ngừng leo thang, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) so với đồng Đô la Mỹ (USD) đã rơi xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua. Động thái này được nhận định sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ.
CNY "tuột dốc"
Căng thẳng thương mại với Mỹ không ngừng gia tăng khiến Trung Quốc có động thái phá giá đồng nội tệ. Lần đầu tiên, tỷ giá đồng CNY so với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua khi vượt ngưỡng 7 CNY/USD ngày 5/8/2019.
Cú sụt này khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động và Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá. Căng thẳng xung quanh vấn đề thương mại và công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc được nhận định rằng đã lan sang cả tiền tệ.
Sự việc này được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) giải thích là phản ánh sự lo ngại của thị trường về các biện pháp bảo hộ và thuế nhập khẩu nhằm vào Trung Quốc. Hôm nay (ngày 7/8/2019), PBoC công bố tỷ giá tham chiếu đồng CNY về mức 6,9996 CNY đổi 1 USD.
Động thái trên khiến giới phân tích lo ngại tỷ giá tham chiếu có thể sẽ tiếp tục phá mốc 7 CNY/USD trong tương lai. Với việc leo thang trong căng thẳng Mỹ - Trung, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang gửi đi thông điệp sẵn sàng dùng tiền tệ làm vũ khí.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực lại không cho rằng Trung Quốc dùng công cụ tiền tệ để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại. Lý do được chuyên gia này đưa ra là Trung Quốc không muốn bị tiếng thao túng tiền tệ và nước này đang trong lộ trình quốc tế hóa đồng CNY và một trong những lộ trình quan trọng là phải ổn định được tỷ giá.
Việt Nam chịu ảnh hưởng
Dù Trung Quốc phá giá đồng nội tệ vì lý do gì thì các chuyên gia đều cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự kiện này. Bởi đồng CNY là một trong 8 loại tiền tệ trong tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam.
Sau khi CNY phá vỡ ngưỡng kháng cự, sáng ngày 6/8, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Theo đó, tỷ giá trung tâm tăng thêm 15 VND lên mức 23.115 VND/USD. Đây cũng là mức tỷ giá trung tâm cao nhất từ trước đến nay mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng.
Dự báo khả năng Trung Quốc tiếp tục phá giá CNY trong thời gian tới, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, điều hành tỷ giá ở Việt Nam cần "cuốn theo chiều gió", theo đó, VND có thể mất giá khoảng 3% trong năm 2019 nhưng với căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và xu hướng đồng CNY của Trung Quốc, VND của Việt Nam có thể còn mất giá sâu hơn mức này.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng NDT. Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT nhưng BVSC dự đoán NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến cáo Việt Nam cần hết sức bình tĩnh để theo dõi và không nên lao vào vòng xoáy của chiến tranh tiền tệ. Theo ông Lực, Việt Nam đã bị Mỹ liệt kê vào danh sách những nước bị theo dõi, giám sát về thao túng tiền tệ, vì thế càng phải kiên định chính sách về tỷ giá hối đoái như thời gian vừa qua.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, phân tích đánh giá thị trường và tác động của biến động tỷ giá; điều hành tỷ giá thận trọng và sớm có thông điệp đến thị trường để trấn an thị trường và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết.
"Tôi cho rằng, trong bối cảnh quan hệ cung cầu ngoại tệ ổn định, tiềm lực dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá trước mắt và thời gian tới." - ông Lực dự đoán.