10 lý do khủng hoảng tài chính có thể tái diễn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Khả năng xảy ra của một cuộc khủng hoảng tài chính mới không hoàn toàn bị loại bỏ, bởi những nguyên nhân gây ra cơn bão tài chính 2008 - 2009 vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Mạng lưới quan hệ tài chính mong manh

Hệ thống tài chính là một mạng lưới quan hệ tài chính mong manh và phức tạp. Sự mong manh và phức tạp này có nguy cơ dẫn đến những rối loạn tuần hoàn trong hệ thống, có thể gây ra những biến động lớn và khó lường, thậm chí mất kiểm soát như khi xảy ra khủng hoảng năm 2008. Đây là luận đề mà giáo sư Đại học Harvard Niall Ferguson đưa ra trong cuốn sách xuất bản năm 2012 của ông mang tên Cuộc đại suy thoái, cách mà các thiết chế mục ruỗng và nền kinh tế tiêu vong. Việc cho vay trong hệ thống tài chính làm tăng tính liên kết trong hệ thống, do đó khuếch đại rủi ro hệ thống. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke nói một cách ngắn gọn, tài sản là những gì hiện hữu, nhưng toàn bộ câu chuyện đằng sau nó thì khó có thể quan sát.

2. Sự phức tạp trong vận hành của hệ thống tài chính

Phố Wall là khu vực tập trung cao độ quyền lực chính trị, trong khi các nhà quản lý Phố Wall chỉ là một nhóm manh mún gồm các thể chế như FED, Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC), Kho bạc và Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC)... Trong khi đó, các thể chế này không thạo trong việc phối hợp hài hòa với nhau. Tính phức tạp trong vận hành của hệ thống tài chính và sự thiếu minh bạch trong mạng lưới quan hệ này là nguyên nhân của nhiều vấn đề đáng quan ngại trong những thể chế tài chính thoát khỏi phạm vi giám sát của các nhà quản lý.

3. Quá lớn để thất bại - mối đe dọa vẫn còn đó

Nhiều khả năng, nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ liên quan tới các ngân hàng vẫn được đánh giá là quá lớn để thất bại. Những ngân hàng này lạm dụng các đòn bẩy tài chính để nắm giữ tới 68% tổng số vốn của cả hệ thống ngân hàng. Theo Phó chủ tịch điều hành FED Stanley Fischer, không bao giờ được phép tin là chúng ta đã chấm dứt được nguy cơ quá lớn để thất bại. Nói cách khác, sự ổn định tài chính bền vững thực sự đòi hỏi việc cần giảm mức độ tập trung rủi ro của hệ thống vào một nhóm các thể chế lớn có khả năng trở thành các trường hợp quá lớn để kiểm soát, hay quá lớn để quản lý, cũng như quá lớn để thất bại. Điều đáng lưu ý, theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, hiện chưa có phương thức thực dụng nào giúp phá vỡ tình trạng quá lớn để thất bại trong hệ thống ngân hàng, mà vẫn duy trì được một hệ thống tài chính dựa vào thị trường.

4. Rủi ro phát sinh của các thể chế tài chính quá lớn

Không ai hiểu được vị trí rủi ro phát sinh của các ngân hàng được xem là quá lớn để thất bại như JP Morgan Chase, Citigroup, Bank of America, Goldman Sachs hay Morgan Stanley. Trong khi đó, chưa có cách nào để định lượng hết các rủi ro liên quan tới đòn bẩy tài chính, số lượng tài sản thế chấp hay sự ổn định của các đối tác dành cho các thể chế lớn. Đây là những hố đen có thể gây thiệt hại nặng, hoặc thậm chí có thể phá hủy hệ thống tài chính trong tương lai. Theo một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ, nếu không tiếp cận được dữ liệu nội bộ về các vị trí rủi ro phát sinh, các nhà điều hành khó có thể phản ứng kịp thời và có biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn mối đe dọa tới sự ổn định tài chính.

5. Đạo luật cải cách tài chính không giúp ngăn chặn khủng hoảng

Martin Wolf của Thời báo Tài chính của Anh cho rằng, Đạo luật Dodd-Frank được Tổng thống Mỹ Barack Obama ban hành ngày 21.7.2010 không giúp cải cách phố Wall, thay vào đó, nó giúp khôi phục hệ thống đã tồn tại trước thời điểm xảy ra khủng hoảng năm 2008. Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner, mục tiêu của đạo luật cải cách tài chính này nhằm làm cho hệ thống trở nên an toàn hơn đối với những công ty làm ăn thất bại. Đạo luật không nhằm ngăn chặn nguy cơ thất bại của những công ty tư nhân đã liều lĩnh quá mức, mà nhằm giảm bớt tác động của các cú sốc sau thất bại có thể đe dọa tới cả hệ thống. Quan trọng nhất là, Đạo luật Dodd-Frank được điều chỉnh bởi Đạo luật Dự trữ liên bang 1913, trong đó cấm ngân hàng trung ương giải cứu một thể chế tài chính đang bên bờ vực phá sản, nếu nó không có khả năng trả nợ. Theo nhà kinh tế của Đại học Harvard Larry Summers, điều đáng lo ngại ở đây là FED thậm chí còn không có khả năng hiểu rõ khi nào thì một ngân hàng thành viên không có khả năng trả nợ.

6. Bỏ qua các dữ liệu về khủng hoảng trong quá khứ

Mô hình chính sách tiền tệ của FED hiện nay chưa xem xét tới bất kỳ dữ liệu nào về các sự kiện xảy ra trong thị trường tài chính hay thị trường toàn cầu. Việc thiếu các dữ liệu này có nghĩa FED sẽ luôn gặp rắc rối trong việc phát hiện bong bóng hình thành từ sự đầu cơ trong các thị trường tài chính và nhà ở.

7. Hiểm họa từ tín dụng đen

FED không có quyền hạn giám sát hệ thống tín dụng đen, chiếm tới 75.000 tỷ USD trong các hoạt động tài chính của các tổ chức phi ngân hàng trên khắp thế giới. Tín dụng đen nảy sinh trong hệ thống tài chính toàn cầu vào năm 2008 và đe dọa sự ổn định của hệ thống này. Hệ thống tín dụng đen tồn tại trong mọi ngóc ngách của lĩnh vực tài chính: từ các quỹ tương hỗ trong thị trường tiền tệ tới các thỏa thuận mua bán tài chính ngắn hạn, các giấy tờ thương mại và nhiều khía cạnh của lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Đây là những hoạt động có thể gây ra sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính. Bản thân hệ thống tín dụng đen cũng hết sức mong manh, do thiếu một mạng lưới an toàn của ngân hàng trung ương hoặc bảo hiểm tiền gửi. Toàn bộ liên hệ trong hệ thống tín dụng đen và hệ thống ngân hàng truyền thống không rõ ràng. Vì vậy trong ngắn hạn, tín dụng đen làm tăng khả năng rủi ro hệ thống, xuất phát từ sự tan vỡ và khoảng cách tồn tại giữa hệ thống tín dụng đen với hệ thống ngân hàng truyền thống.

8. Tư bản thân hữu trong quản lý tài chính

Theo Martin Wolf, tác giả Sự dịch chuyển và những cú sốc, cuốn sách được phát hành gần đây viết về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sức ép Phố Wall đã cuốn các nhà giám sát của Chính phủ vào vòng xoáy chết người của tư bản thân hữu, nhất là khi các nhà chức trách thiếu nguồn lực, động lực và cả kiến thức để bắt kịp với những người chơi chính trong hệ thống tài chính.

9. Thiếu cơ chế phối hợp xử lý các ngân hàng thất bại

Trong bài phát biểu ngày 27.5.2014, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde mô tả sự thiếu vắng của một cơ chế xuyên biên giới nhằm giải quyết các ngân hàng lớn như một lỗ hổng trong cấu trúc tài chính. Hay như Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew bình luận vào tháng 12.2013, sự thất bại của Lehman Brothers đã chứng minh tình trạng thiếu vắng sự hợp tác giữa các cơ quan trong nước và quốc tế nhằm giải quyết một công ty tài chính có thể gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính toàn cầu.

10. Thiếu cơ chế dự báo khủng hoảng

Kể từ khi thành lập đến nay, Mỹ đã trải qua những cuộc khủng hoảng hoặc những cơn hỗn loạn tài chính định kỳ. Từ năm 1792, 1837, 1873, 1893, 1907 - 1929 và gần đây 2000 -2002 và 2008 - 2009, đã có nhiều ngân hàng Mỹ buộc phải đóng cửa hoặc phá sản, thị trường chứng khoán khổng lồ phải bán tháo và suy thoái một cách đau đớn. Nhiều vấn đề tài chính được giấu nhẹm, làm cho hệ thống tài chính trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương. Đó là lý do tại sao nên sợ hãi sự không minh bạch. Như cựu Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner đã nói, không thể ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính một cách đáng tin cậy. Không thể dự đoán như thế nào và khi nào thì một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ xảy ra. Không thể tin tưởng vào ngân hàng trung ương vốn dễ mắc sai lầm trong việc ngăn chặn sự bùng nổ về tài chính trước khi nó trở nên nguy hiểm, bởi vì vào thời điểm mối nguy hiểm đã rõ ràng thì thường lúc đó đã là quá muộn. Không có cơ chế để xác định thực sự khi nào sẽ có một cuộc khủng hoảng, nhà kinh tế học của Đại học Yale Gary Gorton cho biết trong cuốn sách của ông năm 2012 có tiêu đề Sự hiểu lầm về khủng hoảng tài chính - Tại sao chúng ta không nhìn thấy chúng sắp xảy ra.