Bị dọa bỏ tù vì “dám” thống kê đúng

Theo FT

Chính phủ luôn muốn dùng những con số thống kê để vờ như “đạt chỉ tiêu”. Hy Lạp vừa mới truy tố một quan chức chịu trách nhiệm tính toán con số nợ công của nước này, ông Andreas Georgiou. Hành động này khiến người ta nghi ngờ, cứ với thái độ ấy, liệu Hy Lạp sẽ còn đòi hỏi bao nhiêu gói cứu trợ từ Liên minh Châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế nữa?

 Bị dọa bỏ tù vì “dám” thống kê đúng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cái gì?

Có khi còn tệ hơn truy tố. Khi Giám đốc cơ quan thống kê độc lập Elstat, ông Andreas Georgiou, bị điều tra lần đầu vào cuối năm 2011, người ta bảo nên xử ông tù chung thân vì tội phản quốc.

Còn lần này, ông cùng hai nhân viên cao cấp bị cáo buộc tham nhũng và khai man. Nếu bị kết tội, họ sẽ đối mặt với án tù 5-10 năm.

Vì sao?

Georgiou bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Elstat vào năm 2010. Tuy là công dân Hy Lạp nhưng ông đã làm việc cho IMF được hàng chục năm. Thế nên ông đại diện cho giới kỹ trị toàn cầu nhiều hơn.

Người ta quyết bỏ tù Georgiou là vì khi Hy Lạp đàm phán gói cứu trợ với cộng đồng quốc tế, ông đưa ra con số thâm hụt ngân sách khổng lồ, khiến vị thế của Hy Lạp trên bàn đàm phán yếu đi.

Chính giới Hy Lạp quả quyết Georgiou làm vậy để hà hơi tiếp sức cho giới kỹ trị tại IMF và cơ quan thống kê Châu Âu Eurostat.

Chưa làm gì đã bị tuyên phạm tội

Georgiou nói ông bị truy tố không phải vì làm giả số liệu mà là vì không biết làm giả số liệu.

Cuối năm 2009, ít lâu sau khi chính phủ mới nhậm chức và tuyên bố con số thâm hụt ngân sách trước đó là giả, số thâm hụt tăng gấp đôi chỉ sau một đêm. Vì thế trước khi Georgiou về nước, màn “nấu cháo sổ sách” đã là chuyện thường ở Hy Lạp.

Ắt hẳn nếu dân Hy Lạp tin báo cáo láo là do ông Georgiou chứ không phải những người tiền nhiệm thì chính giới nước này sẽ dễ thở hơn. Tuy vậy, Eurostat đã tuyên bố con số thống kê của Georgiou là đúng.

Thế thì vì sao Georgiou bị truy tố?

Dường như ông đang vướng vào một âm mưu chính trị.

Một trong những người tố cáo ông là Zoe Georganta, cựu thành viên HĐQT Elstat từng bị đuổi việc năm 2011 (cùng với hầu hết ban quản trị). Một người nữa, ông Nikos Logothetis, bị tố cáo đột nhập hòm thư điện tử của ông Georgiou.

Công đoàn Elstat cũng đứng lên chống lại ông Georgiou. Có trời mới tin được lời tố cáo của những người như thế.

Nhà thống kê luôn bị chính giới đe dọa?

Không chỉ có Hy Lạp. Trong ấn bản gần đây của tờ Significance (tạp chí phổ biến nhất trong giới thống kê) có đăng một bài phỏng vấn cựu Giám đốc Viện thống kê Argentina, bà Graciela Bevacqua.

Bà nói mình bị đuổi việc, bị kỷ luật và bị đe dọa tống giam sau khi đưa ra con số lạm phát làm phật lòng chính phủ nước này.

Phán quyết năm ngoái sau vụ động đất L’Aquila cũng vậy. 6 nhà khoa học và một quan chức Italia đã bị xử 6 năm tù giam vì đưa ra “thông tin không chính xác, không đầy đủ và mâu thuẫn” về rủi ro động đất khiến 309 người chết.

Trên đời chưa ai dự báo nổi động đất bao giờ xảy ra.

Con số thống kê nên nằm ngoài chính trị?

Cuộc đời chẳng bao giờ đơn giản đến thế. Phán đoán thống kê thì vẫn chỉ là phán đoán. Thống kê có lúc đúng, lúc sai và thường là luôn có sai số. Giám đốc Eurostat, ông Walter Radermacher, từng trả lời New York Times “nghề của tôi không phải là đi tìm chân lý.”

Đến như Văn phòng thống kê quốc gia của Anh cũng không muốn sửa một sai sót lớn trong cách tính chỉ số giá tiêu dùng CPI, khiến nó cao một cách giả tạo và làm lợi cho người về hưu, các nhà đầu tư vào trái phiếu bảo đảm lạm phát.

Con số CPI luôn là giả?

Đúng vậy. Đáng lẽ khi tính toán CPI, họ phải dùng một phương pháp khác. Nhưng nếu chính phủ cứ muốn làm lợi cho trái chủ và người về hưu với cái giá phải trả thuộc về người mua các mặt hàng có mức giá tăng đều theo lạm phát như vé xe lửa, thì … đành chịu.

Sự thật là chính phủ luôn muốn dùng những con số thống kê để vờ như “đạt chỉ tiêu” và giới thống kê sẽ luôn vướng vào những trò chơi chính trị mà chỉ có họ mới hiểu sự thật là gì.