Các nền kinh tế mới nổi: Áp lực đang gia tăng

Theo thoibaonganhang.vn

Sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đang lan rộng trên toàn thế giới vào cuối tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điều này khiến các nhà phân tích đưa ra cảnh báo tới các nhà hoạch định chính sách trên các thị trường mới nổi về việc chuẩn bị cho những thách thức đối với tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Mối đe dọa trực tiếp nhất đến từ sự mất giá mạnh và bất ngờ của đồng Nhân dân tệ. Vào tuần trước, đồng tiền này đã giảm 1,3% so với đồng USD.

Với vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu, việc đồng Nhân dân tệ yếu sẽ kéo theo áp lực lên các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Điều này sẽ có lợi đối với xuất khẩu của các quốc gia này, do đồng nội tệ yếu khiến hàng hóa của họ có sức cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, lợi thế này không bù đắp được những khó khăn gặp phải khi trả nợ bằng ngoại tệ với đồng nội tệ mất giá.

Trong thời kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ, rất nhiều DN tại các quốc gia mới nổi vay nợ bằng đồng ngoại tệ rẻ. Số liệu của Viện tài chính Quốc tế cho thấy dư nợ ngoại tệ của những DN tại các quốc gia mới nổi đã tăng từ 900 triệu USD lên 4,4 tỷ USD trong khoảng thời gian từ đầu thập kỷ cho tới giữa năm 2015.

Theo các nhà phân tích, cũng trong khoảng thời gian này, còn có những vấn đề tiềm tàng lớn hơn đối với khối nợ nội tệ của các nền kinh tế mới nổi, khi tổng nợ cả ngoại tệ và nội tệ đã tăng từ 5,4 tỷ USD lên 24,4 tỷ USD, bằng khoảng 90% GDP của các quốc gia mới nổi.

Adam Slater, nhà kinh tế học hàng đầu tại Oxford Economics - một công ty nghiên cứu, nói rằng các khoản nợ tăng, lợi nhuận giảm và điều kiện tín dụng thắt chặt sẽ đẩy cao những nguy cơ bất ổn mang tính bất ngờ.

“Những vấn đề của DN trong các nền kinh tế mới nổi, ngoài việc phát hành nhiều nợ, còn là việc người ta không biết nhiều về mức độ tín nhiệm của họ. Những rủi ro tiềm tàng cho những vấn đề bất ổn đang lây lan. Đây là một trong những vấn đề quan tâm chính của chúng tôi trong năm 2016”.

Các ngành xuất khẩu của các quốc gia mới nổi cũng bị ảnh hưởng nặng bởi việc giảm giá hàng hóa do nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại trong hai năm qua. Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ là yếu tố duy nhất thách thức nền kinh tế của các quốc gia này trong năm nay.

Còn có những rủi ro tiềm ẩn như khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc tại Brazil, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông. Như ông Bakkum, nhà phân tích chiến lược thị trường mới nổi tại NN Investment Partners nói: “Những vấn đề vẫn còn đó, và tình hình dường như sẽ chưa khả quan trong vài tháng tới.