Dòng nước ngược

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2016, thế giới chứng kiến một số sự kiện “ngoài sức tưởng tượng của nhiều người”, đó là Brexit, và việc tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ. Hai sự kiện kịch tính trên đồng nghĩa với quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang gặp phải “dòng nước ngược”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo các chuyên gia, hai “cơn địa chấn” chủ nghĩa dân túy đã làm chấn động cả hai bờ Đại Tây Dương, báo hiệu sự bất ổn bao trùm các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu và đường hướng chính sách của Mỹ. Theo chuyên gia Richard Wike của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có thể gọi đây là làn sóng lo ngại về toàn cầu hóa, vấn đề di cư và chủ nghĩa khủng bố.

Với Brexit, đó là sự phản kháng của phần lớn người Anh trước tình cảnh họ bị lãng quên, thu nhập tăng trưởng chậm, thậm chí còn giảm và bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong mấy chục năm qua. Trên thực tế, từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay, tình trạng này luôn gia tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tác động của việc Anh rút khỏi EU vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, phương thức rút khỏi và phương án thay thế đều chưa được xác định.

Trong khi đó, tình hình của Mỹ giống như châu Âu: Thu nhập của tầng lớp lao động nam người da trắng trong hàng chục năm qua không tăng mà còn giảm, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông Donald Trump đã đánh bại phe cầm quyền trong đảng Cộng hòa, đánh bại đảng Dân chủ và các phương tiện truyền thông chủ chốt để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 2016. Tuy nhiên, đây giống với thắng lợi của chủ nghĩa dân túy chứ không phải thắng lợi của chính đảng. 

Theo giới chuyên gia, việc chủ nghĩa tự do mới từ thập niên 80 của thế kỷ trước lên nắm thế chủ đạo nền chính trị phương Tây như ngày nay đã không còn hợp thời, thậm chí thế giới còn trải qua những cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Hậu quả là kinh tế của các nước phương Tây trong gần 10 năm qua tăng trưởng thấp và mức sống suy giảm. Điều đó khiến toàn cầu hoá mất đi vai trò tại các nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ.

Thậm chí, nó còn gây nên làn sóng thất vọng với các đảng phái và nhà lãnh đạo của các nước phương Tây, cơ quan nhà nước và cơ quan quốc tế. Thứ hai, thế và lực của phương Tây suy giảm rõ rệt, tính thẩm quyền của các nhà lãnh đạo và hệ thống của phương Tây đang dần tan rã. Mỹ không còn là nước Mỹ trước đây, và vì thế ông Trump hướng tới khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” với mong muốn khôi phục sự phồn thịnh và sức mạnh của xứ sở cờ hoa trở lại vị thế có một không hai trên thế giới từ khi kết thúc Thế chiến 2.

Trong lịch sử, việc bà Margaret Thatcher làm Thủ tướng Anh và ông Ronald Reagan là Tổng thống Mỹ đã đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên tự do kiểu mới. Còn ở thời điểm hiện tại, với Brexit và ông Donald Trump bất ngờ thắng cử trở thành ông chủ Nhà Trắng đã đánh dấu sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ và việc bảo vệ những lợi ích quốc gia, đi ngược với xu thế toàn cầu hóa.

Theo các chuyên gia Cơ quan Nghiên cứu kinh tế Pháp (OFCE), các sự kiện đó đã cho thấy một sự rạn nứt trong xã hội và một thái độ phản đối được đánh dấu bằng sự thu mình trong vỏ bọc quốc gia dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ phản đối thương mại tự do và toàn cầu hóa. Bởi toàn cầu hóa, vốn đã phát triển trong 30 năm qua, chắc chắn đã thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng tạo ra những bất bình đẳng, sự thất vọng và bần cùng hóa đối với một số cộng đồng dân cư.

Sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ - đối với hàng hóa và con người - đang ngày càng được thể hiện rõ nét trong các bài diễn văn chính trị, và trong trường hợp của nước Anh và Mỹ, sự trở lại đó hiện diện trong các cương lĩnh chính trị.

Donald Trump và các đảng viên Cộng hòa Mỹ, cũng như nữ Thủ tướng Anh Theresa May và các đảng viên Bảo thủ Anh đã không ngừng ủng hộ nhiệt tình chủ nghĩa tư bản và các quyền tự do kinh tế, và do vậy họ đã không đánh mất sự ủng hộ đông đảo của những người giàu có nhất trong số các công dân. Điều này đã được thể hiện rõ trong các cuộc thăm dò ngay sau khi kết thúc bầu cử ở Mỹ, tuy nhiên, chúng đã cho thấy lợi ích quốc gia đang được đặt lên hàng đầu và việc phải bảo vệ các tầng lớp nhân dân và các tầng lớp trung lưu trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.