Khủng hoảng đô thị hóa ở Trung Quốc

Theo Forbes

(Tài chính) Tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở Trung Quốc đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp ở đất nước đông dân nhất thế giới này.

Khủng hoảng đô thị hóa ở Trung Quốc
Tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở Trung Quốc đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Nguồn: internet

Chỉ trong vòng 4 thập kỷ, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc đã tăng từ 17,4 lên 55,6 %, thêm gần 600 triệu cư dân thành thị. Và quá trình này vẫn còn tiếp diễn nhanh. Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng trong vòng 20 năm tới, dân số thành thị của Trung Quốc sẽ tăng 250 triệu người, thậm chí ngay cả khi tỷ lệ tăng dân số toàn quốc có chậm lại.

Nếu nhìn về tổng thể, tốc độ đô thị hóa ở Trung Quốc là một thành công ngoạn mục, nhờ đó, Trung Quốc đã trở nên ngày càng giàu có hơn, mở rộng thị phần của nước này vào GDP toàn cầu từ 2% vào năm 1995 lên tới 12% vào năm 2012.

Hiện nay, Trung Quốc rất tự hào về 4 siêu thành phố của mình với hơn 10 triệu dân, nhiều hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới. Dân số của Thượng Hải đã mở rộng tới 50% kể từ năm 2000. Thủ đô Bắc Kinh và trung tâm công nghiệp và thương mại Quảng Châu cũng phát triển nhanh chóng, Theo Liên Hợp Quốc, trong danh sách các siêu đô thị tương lai của Trung Quốc có thể kể thêm là Trùng Khánh, Thiên Tân và Thành Đô.

Thâm Quyến, một trong những siêu đô thị hiện nay là hình ảnh thu nhỏ về tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc. Năm 1979, nơi đây chỉ có khoảng 30 nghìn người. Vậy mà giờ đây thành phố này đã trở thành một thành phố phát triển mạnh với 13 triệu dân chỉ trong vòng 1 thập kỷ qua với mức đô thị hóa lên tới 56%. Thậm chí, sự lớn mạnh của Thâm Quyến nhanh tới mức nhiều người gọi nó là thành phố không có lịch sử.

Có thể ví sự lớn mạnh của các thành phố Trung Quốc với tốc độ phát triển đô thị của Anh hồi thế kỷ thứ XIX với sự mở rộng nhanh chóng ngành sản xuất và thương mại. Trong tiến trình đô thị hóa, các thành phố Trung Quốc có sự gắn kết hơn với nền kinh tế toàn cầu, theo kịp xu hướng quốc tế để trở nên sung túc.

Trong khi đó các thành phố hàng đầu ở phương Tây lại đang phát triển chậm và phải dựa nhiều vào dân nhập cư do tỷ lệ sinh thấp và nền kinh tế thiếu máu. Dường như không một thành phố phương Tây nào, thậm chí kể cả Houston hay Dallas có được sự năng động như các thành phố của Trung Quốc.

Tuy vậy, sự chuyển đổi đô thị hóa thành công ở Trung Quốc hiện nay đang vấp phải nhiều thách thức khi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của nước này bị suy yếu. Chi phí lao động tăng và số thanh niên Trung Quốc không muốn lao động chân tay tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, những người thành đạt và tài năng nhất Trung Quốc lại tìm cách ra nước ngoài sinh sống. Thậm chí, có một cuộc khảo sát cho thấy 2/3 số cư dân giàu có tại Trung Quốc đang cân nhắc di cư ra nước ngoài.

Khủng hoảng lao động trầm trọng nhất là ở các thành phố ven biển Trung Quốc, nơi định cư của phần lớn dân số thành thị. Những thành phố này đối mặt với cạnh tranh lớn từ những khu vực đô thị ít đắt đỏ hơn ở phía tây như Trùng Khánh và Thành Đô. Nhưng thậm chí những khu vực đó cũng đang đối mặt với thiếu hụt lao động, buộc các công ty phải lấp đầy chỗ trống bằng những lao động sinh viên tình nguyện.

Ngoài ra, các thành phố Trung Quốc còn phải cạnh tranh trong lĩnh vực cần nhiều lao động như dệt may từ những thành phố rẻ hơn ở Việt Nam, Indonesia hay Bangladesh. Hiện nay, rất nhiều công ty phương Tây đã rời Trung Quốc để đến những nơi đầu tư khác hấp dẫn hơn như Mexico hoặc quay trở lại Mỹ.

Giải pháp hợp lý đối với thách thức trên, đặc biệt là đối với các thành phố ven biển Trung Quốc, là phải đẩy mạnh các chuỗi giá trị như Hong Kong và Singapore đã từng làm. Điều này có nghĩa là phải dựa nhiều hơn vào tài chính, dịch vụ, kinh doanh và công nghệ. Ví dụ như Thâm Quyến nhìn sang Thung Lũng Silicon làm mô hình học tập… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các ngành công nghiệp giá trị cao lại phụ thuộc vào việc tiếp cận mở với thông tin. Trong khi đây là điều mà Bắc Kinh tỏ ra thận trọng và coi là mối đe dọa với trật tự chính trị…

Vấn đề đô thị hóa của Trung Quốc còn đối mặt với mật độ dân cư quá đông trong thành thị. Ở đây, hiếm khi người ta xây nhà thấp tầng mà toàn nhà cao tầng khiến cho mật độ dân cư tập trung ngày càng đông. Từ đó làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như vấn đề vệ sinh môi trường và đặc biệt là sức khỏe. Theo một nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc, đô thị hóa dày đặc đã dẫn đến tình trạng béo phì đặc biệt đối với những người trẻ tuổi bởi họ không có nhiều không gian luyện tập thể dục nên dành nhiều thời gian ngồi trước bàn máy tính. Béo phì khiến cho đột quỵ và bệnh tim tăng nhanh.

Bên cạnh đó, hậu quả lớn nhất có thể nhìn thấy đối với đô thị hóa là ô nhiễm không khí. Bắc Kinh, Thượng Hải đã bị xếp vào những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, chỉ sau New Delhi. Vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng đến mức ở nhiều vùng của Trung Quốc, người ta đã tổ chức biểu tình để bắt di dời các nhà máy công nghiệp ô nhiễm hoặc phản đối việc xây dựng các nhà máy mới gần những đô thị như Thượng Hải, Đại Liên hay Hàng Châu.

Cũng chính việc thành phố quá đông đúc khiến cho tỷ lệ sinh ở Trung Quốc bị ảnh hưởng. Hiện nay, tỷ lệ sinh ở đô thị của Trung Quốc là khá thấp. Mặc dù Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách một con nhưng nhiều gia đình vẫn rất đắn đo với việc sinh thêm con. Ở Hong Kong, 45% cặp vợ chồng trung lưu từ bỏ ý tưởng sinh con. Điều này không có gì quá ngạc nhiên khi mà chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ hiện nay ước tính hơn 700 nghìn USD, cao gấp đôi ở Mỹ. Tỷ lệ sinh giảm sẽ kéo đến tình trạng dân số già và làm chậm tốc độ phát triển kinh tế khi mà số người lao động giảm xuống.

Như vậy, mặt trái của đô thị hóa đã gián tiếp gây ảnh hưởng đến nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và cần Trung Quốc phải có những biện pháp tháo gỡ kịp thời.