Kịch bản Grexit và bài học Argentina

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - “Nếu Hy Lạp vỡ nợ, hãy hình dung ra những gì từng xảy ra với Argentina vào năm 2001 nhưng tồi tệ hơn rất nhiều”. Đó là cảnh báo của giới quan sát sau khi Eurozone từ chối gia hạn chương trình cứu trợ dành cho Hy Lạp, vốn sẽ hết hạn vào hôm nay 30.6. Câu hỏi đặt ra là Athens có thể thấy gì từ vết xe đổ của Buenos Aires?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ở ngưỡng cửa Grexit

Thủ tướng Alexis Tsipras đã quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu trợ khắt khe của châu Âu và Nghị viện Hy Lạp đã lập tức phê chuẩn đề nghị này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng, việc Hy Lạp muốn tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu trợ đồng nghĩa Athens đơn phương kết thúc đàm phán với châu Âu và chấp nhận khả năng Grexit (rời khỏi Liên minh châu Âu).

Tại cuộc họp ngày 27.6 diễn ra ở Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã không chấp nhận gia hạn chương trình cứu trợ cho Hy Lạp. Trong khi đó, gói giải cứu tài chính này sẽ kết thúc vào hôm nay, 30.6. Điều đó có nghĩa là Hy Lạp đang tiến gần tới kịch bản tồi tệ nhất: vỡ nợ.

Những gì đang đón đợi Hy Lạp khiến không khỏi nghĩ tới tình cảnh của Argentina cách đây hơn một thập kỷ. Vào năm 2001, Argentina phải tuyên bố vỡ nợ sau khi ba chủ nợ lớn là IMF, Ngân hàng Thế giới và Mỹ ngừng cung cấp các khoản vay đối với Buenos Aires do nước này không đáp ứng yêu cầu về cắt giảm chi tiêu.

Hệ quả là, người dân ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng, buộc Chính phủ phải đóng băng các khoản tiền gửi - một quyết định đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ của người dân. Các cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình tại Thủ đô Buenos Aires nhanh chóng biến thành bạo loạn và Tổng thống Argentina lúc đó là Fernando de la Rua đã phải rời đất nước bằng trực thăng.

Vào tuần cuối cùng của năm 2001, Argentina vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài trị giá lên tới 93 tỷ USD và đồng peso bị phá giá chóng vánh. Cùng với khủng hoảng kinh tế và hỗn loạn xã hội, nền chính trị quốc gia châu Mỹ Latinh cũng chao đảo. Có thời điểm Argentina thay 3 tổng thống trong vòng 4 ngày.

Từ đó đến nay, Argentina đã trải qua quá tình tái cơ cấu nợ kéo dài hơn 10 năm. Kinh tế nước này phục hồi phần lớn nhờ vào xuất khẩu hàng hóa sang Brazil và Trung Quốc. Nhưng không có được lợi thế như Argentina, Hy Lạp phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Ba mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Hy Lạp là dầu thô, xăng và dược phẩm trong khi hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là cá và vải bông. So với Argentina, Hy Lạp là nước nhỏ hơn nhiều, với 11 triệu dân và tổng thu nhập quốc dân đạt 242 tỷ USD vào năm 2013.

Argentina giàu tài nguyên và nếu cần nước này hoàn toàn có thể sống dựa vào nguồn tài nguyên, trong khi Hy Lạp chưa từng tự xoay sở với khả năng kinh tế kể từ khi gia nhập EU năm 1981. Rõ ràng nếu Hy Lạp vỡ nợ sẽ là sự tồi tệ của “một Argentina vỡ nợ” được nhân lên gấp nhiều lần.

Lời khuyên nào cho Hy Lạp?

Tuy nhiên, Guillermo Nielsen, cựu Bộ trưởng tài chính và cựu Trưởng đoàn đàm phán của Argentina về tái cơ cấu nợ với IMF cho rằng, việc Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi Eurozone chưa phải là ngày tận thế.

“Với các chính sách tài khóa phù hợp, Hy Lạp có thể sống sót nếu phải từ bỏ đồng euro”, Nielsen cho biết. Vấn đề là các hiệp ước được đặt ra khi thành lập Eurozone là “đường một chiều” và tại thời điểm đó, chưa ai lường trước khả năng một quốc gia thành viên có thể quay lại với đồng tiền cũ sau khi đã gia nhập Eurozone.

Theo Nielsen, nếu Hy Lạp vỡ nợ, con đường tốt nhất dành cho Hy Lạp là nhanh chóng phá giá đồng tiền mới nhằm tạo ra thặng dư tài chính và đưa nền kinh tế trở lại tăng trưởng. “Cần có bàn tay khéo léo để đưa đồng Drachma trở lại, trong bối cảnh quá trình thoái vốn tại các ngân hàng và sự hỗn loạn chính trị”, ông Nielsen nhấn mạnh.

Sau khi vỡ nợ, Argentina đã từ bỏ chính sách tỷ giá tham chiếu với đồng USD của mình và thả nổi đồng nội tệ. GDP của Argentina giảm 10,8% trong năm 2002 nhưng sau đó bắt đầu tăng trở lại nhờ vào sự tăng giá của hàng hóa xuất khẩu.

Thách thức nữa đặt ra là khủng hoảng kéo dài đã đẩy ngành ngân hàng Hy Lạp đứng trên bờ vực sụp đổ. Hệ thống này chỉ tồn tại nhờ vào hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, hiện trị giá gần 90 tỷ euro. Song, ELA có thể sẽ hết hiệu lực cùng với các chương trình cứu trợ tài chính vào ngày 30.6 và nhấn chìm toàn bộ hệ thống ngân hàng Hy Lạp.

Bài học Argentina cũng cho thấy, quá trình vỡ nợ không diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Vào năm 2005, Tổng thống Argentina Néstor Kirchner đã đề xuất đổi trái phiếu mà Argentina đã mất khả năng thanh toán lấy trái phiếu mới có giá trị tương đương 70% trái phiếu cũ.

Gần 75% nhà đầu tư đồng ý đề xuất này trong khi những người khác cố gắng tìm tới tòa án để lấy lại những gì đã mất. Thậm chí cho đến nay, Argentina vẫn đang vướng vào tranh chấp với các nhà đầu tư, nguyên nhân khiến Argentina không thể tiếp cận thị trường nợ quốc tế kể từ khi vỡ nợ.

Quá trình này gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho người dân. Từ lúc tỷ giá ngang bằng với đồng USD, đồng peso bị mất giá nay chỉ còn bằng khoảng một phần tư so với giá trị tại thời điểm trước khủng hoảng. Lạm phát tăng vọt và nền kinh tế bị co hẹp. Phải mất hơn 5 năm nền kinh tế của Argentina mới trở lại như năm 2001.