Kinh tế toàn cầu đối mặt với thách thức suy giảm

PV.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, các tổ chức tài chính đã phát đi những dự báo thiếu lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngay trong những ngày đầu năm 2016, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 1/2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của Ngân hàng Thế giới (WB) đều lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với trước đó bởi kết quả tăng trưởng đáng thất vọng, bất ổn địa chính trị gia tăng tại nhiều khu vực và nền kinh tế cũng như xu hướng giá dầu và hàng hóa thế giới tiếp tục giảm mạnh.

Theo đó, IMF và WB lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 3,4% và 2,9% giảm so với mức 3,6% và 3,3% trong các báo cáo trước đó. Thống kê cho thấy, các nền kinh tế mới nổi và khu vực ASEAN-5 được IMF dự báo tăng trưởng lần lượt là 4,3% và 4,8% trong năm nay giảm lần lượt 0,2% và 0,1% so với các dự báo đưa ra trước đó. Hoạt động thương mại toàn cầu cũng được IMF hạ dự báo xuống mức 3,4% (giảm mạnh so với mức 4,1% trong báo cáo trước đó).

Trong khi đó, theo WB, các nước mới nổi và đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% năm 2016, thấp hơn mức dự báo trước đây (nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,3% trong năm 2015). Cả 2 tổ chức này đều nhận định, triển vọng không mấy lạc quan này sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong năm 2016.

Không chỉ các nước đang phát triển – từng được coi là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu sau thời kỳ khủng hoảng, mà các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng đối mặt với xu hướng tăng trưởng không mấy khả lạc quan.

Theo đó, tại Mỹ, IMF hạ 0,1 điểm % dự báo tăng trưởng nước này xuống còn 2,1% trong năm 2016. Tuy nhiên, số liệu Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này cũng đã đón nhận thêm nhiều dấu hiệu tích cực và vẫn là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, trong quý III/2015, GDP tăng 2%, cao hơn dự báo trước đó; chi tiêu tiêu dùng tăng 3%; xuất khẩu tăng 0,7%; nhập khẩu tăng 0,9%...

Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3% trong năm nay, kinh tế Brazil giảm 3,5%, và kinh tế Nga giảm 1%. Ở góc nhìn lạc quan hơn, WB dự báo Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 6,7% trong năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015 trong khi nền kinh tế Nga sẽ giảm 0,7% năm 2016, sau khi giảm 3,8% năm 2015.

Tuy nhiên, tại một số khu vực vẫn có được sự lạc quan. Tại châu Âu, được IMF dự báo tăng trưởng 1,7% trong năm 2016, tăng 0,1 điểm% so với dự báo trước; triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực khả quan hơn. Dù vậy, khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát khi lạm phát tháng 12/2015 chỉ ở mức 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% đặt ra trước đó.

Trong khi đó, mặc dù còn nhiều khó khăn trong năm 2015, IMF vẫn dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1% trong năm 2016 khi các chính sách nới lỏng tiền tệ và chi tiêu công phát huy tác dụng. Ngoài chương trình mua tài sản khoảng 3.000 tỷ yen mỗi năm như hiện nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ xây dựng một chương trình mới, dự kiến triển khai vào tháng 4/2016, nhằm tăng quy mô quỹ mua tài sản (trong đó có cổ phiếu và trái phiếu) thêm khoảng 300 tỷ yen (tức 2,5 tỷ USD)/năm.

Hiện nay khá nhiều các quốc gia và khu vực trên thế giới tiếp tục duy trì hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ hiện có nhằm vực dậy tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ; Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất 0,5%; Hàn Quốc giữ lãi suất thấp kỷ lục 1,5% trong 7 tháng liên tiếp; Nhật Bản mở rộng quy mô chương trình mua tài sản . Ngân hàng Trung ương Canada vẫn quyết định tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%. Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt hơn. Trước đó, chỉ có FED tăng lãi suất trong thời gian qua sau khi nền kinh tế Mỹ với nhiều dấu hiệu hồi phục khả quan.