Rủi ro tăng với trái phiếu nội tệ ở Đông Nam Á và Đông Á

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Thông tin phát ra từ ADB cho rằng, các thị trường trái phiếu (TTTP) bằng đồng nội tệ ở những nước Đông Á và Đông Nam Á mới nổi vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, những rủi ro lại đang tăng lên đối với triển vọng của TTTP tại đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB, các TTTP châu Á và những người đi vay trên thị trường đang ở một vị thế tốt hơn để đối chọi với những biến động toàn cầu gần đây so với vị thế của họ những năm 1997-1998.

Tuy nhiên, thời điểm khó khăn chắc chắn vẫn còn ở phía trước. Thách thức đối với thị trường là đảm bảo khu vực có thể đối phó được với chi phí đi vay cao hơn và giá trị tài sản giảm xuống. Những yếu tố này có thể tác động xấu đến bảng cân đối tài chính của các công ty và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

ADB cũng cảnh báo, hầu hết các chính phủ trong khu vực đã bỏ lỡ cơ hội huy động những nguồn vốn giá rẻ để tài trợ cho những dự án hạ tầng quan trọng. Điều này sẽ là một trở ngại nữa đối với việc thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo.

ADB ước tính rằng, châu Á cần ít nhất 8.000 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ 2010 đến 2020 để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

ADB cho biết, đến cuối tháng 6 dự nợ trên các TTTP bằng đồng nội tệ tại các nước Đông Á và Đông Nam Á  mới nổi là 6.800 tỷ USD. Các thị trường này bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines,Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Con số này tăng 1,7% so với thời điểm cuối tháng 3 nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 2,9% trong Quý I/2013 do các nhà đầu tư cẩn trọng hơn trước tuyên bố vào tháng 5 của FED về việc Hoa Kỳ sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lượng trái phiếu mua vào.

Việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ vẫn tiếp tục được thực hiện tại các nước Đông Á mới nổi, nhưng với một tốc độ chậm do một số người đi vay đã ngừng lại vì chi phí huy động vốn tăng lên trong khu vực.

Tổng giá trị trái phiếu mới được bán ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 là 827 tỷ USD, tăng 4% so với khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, chủ yếu là nhờ lượng phát hành trái phiếu của các chính phủ và cơ quan trung ương tăng 26,8%.

Lượng phát hành trái phiếu cty giảm 20,1% so với quý trước xuống còn 168 tỷ USD do lượng trái phiếu mới bán ra của các cty Trung Quốc giảm đến 48,8%. Nếu không tính Trung Quốc, lượng trái phiếu cty mới phát hành trên các thị trường khác tăng nhẹ 1,4%.

ADB đánh giá: Những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu cũng đã khiến các công ty tại các nước Đông Á mới nổi khó khăn hơn và tốn kém hơn trong việc đi vay bằng các đồng ngoại tệ mạnh (USD, EUR hoặc đồng Yên), đặc biệt là những công ty có chỉ số tín nhiệm thấp. Trong khi 5 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị phát hành đạt 81 tỷ USD thì trong tháng 6 và tháng 7 chỉ có 7,5 tỷ USD được huy động.

So với giai đoạn 1997-1998 khi châu Á hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính. Hiện tại các khoản nợ của các chính phủ và công ty bằng đồng nội tệ nhiều hơn so với các khoản nợ bằng đồng ngoại tệ và có thời hạn trả nợ dài hơn. Điều này có nghĩa là họ ít gặp rủi ro hơn đối với những biến động phá giá và thay đổi đột ngột trong chi phí cho vay và xu hướng cho vay của nhà đầu tư.

Để xây dựng sự ổn định của thị trường và hỗ trợ tăng trưởng, khu vực cần tiếp tục phát triển những nguồn huy động vốn ổn định hơn, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài - ADB khuyến cáo. Đây là một kênh có xu hướng ổn định hơn đầu tư thị trường vốn. Đồng thời khu vực cần khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà đầu tư trái phiếu, bao gồm cả các quỹ lương hưu. Các khoản đầu tư bằng quỹ lương hưu và bảo hiểm, bảo lãnh và việc sử dụng nhiều hơn các khoản nợ thứ cấp cùng với việc có các dữ liệu dự án tốt hơn sẽ giúp huy động nhiều vốn hơn vào các dự án giao thông, năng lượng, viễn thông và các dự án cơ sở hạ tầng khác.

ADB cũng đưa ra đánh giá rằng, thu nhập kỳ vọng đối với trái phiếu châu Á đã giảm mạnh trong năm nay với việc chỉ số iBoxx Pan Asian Index đã giảm 3,5% tính theo đồng USD và theo điều kiện không tái bảo hiểm. Giảm sút lớn nhất là ở Indonesia (giảm 17,8%) và Singapore (giảm 7,8%). Chỉ có Philippines và Trung Quốc có mức tăng lần lượt là 7,5% và 3,1%./.