Sáu điều bất ngờ trong kế hoạch ngân sách của ông Trump

Theo baoquocte.vn

Kế hoạch ngân sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đúng với lời cam kết của chính phủ như xây dựng quân đội, cắt giảm ngân sách và tăng cường an ninh quốc gia, nhưng không phải tất cả mọi mặt đều như vậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là nhận định của Danny Vinik, trợ lý Tổng biên tập trang tin “Politico” (Mỹ) trong bài phân tích với tựa đề: “Sáu điều bất ngờ trong kế hoạch ngân sách của ông Trump” mới đăng tải gần đây.

Theo tác giả, kế hoạch ngân sách này đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 54 tỷ USD, trong khi cắt giảm các chương trình trong nước. Bộ Nông nghiệp phải đối mặt với mức cắt giảm 21%. Với Bộ Thương mại, mức cắt giảm  là 16%. Ngân sách dành cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường bị cắt giảm gần 1/3. Ngoài ra, ngân sách của nhiều cơ quan khác cũng bị thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên theo dõi tình hình thì các mức cắt giảm này không quá ngạc nhiên. Hai trong số các tác giả chính của kế hoạch ngân sách này là Giám đốc OMB Mick Mulvaney và Paul Winfree, Giám đốc chính sách ngân sách của Nhà Trắng. Từ lâu, hai nhân vật này đã ủng hộ cắt giảm đáng kể đối với các chương trình trong nước.

Ông Winfree là tác giả chính của quỹ Heritage Foundation, được coi là có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch ngân sách của ông Trump. Việc loại bỏ Cơ quan Nghiên cứu Cấp cao Lĩnh vực Năng lượng Mỹ, hoặc cắt giảm 650 triệu USD trong ba năm tại các ngân hàng phát triển đa phương, chính là những vấn đề mà họ đã đề xuất suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách này còn có một số bất ngờ, dưới đây là 6 ví dụ:

 1. Tăng ngân sách cho Cục điều tra dân số

Ông Trump không phải là người ủng hộ chi tiêu ngân sách cho việc thu thập dữ liệu. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông đã đầu tư rất ít vào các cuộc thăm dò và phân tích dữ liệu so với các đối thủ cạnh tranh của mình, và ông thường xuyên nghi ngờ độ tin cậy của cơ quan thống kê chính phủ.

Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách của ông Trump lại là một ngoại lệ lớn. Kế hoạch đã cắt giảm kinh phí cho Cơ quan thống kê của Bộ Nông nghiệp và Cục Thống kê Kinh tế của 3 bộ khác. Tuy nhiên, Cục điều tra dân số là cơ quan thống kê hiếm hoi không bị cắt giảm.

Trên thực tế, số tiền dành cho cơ quan này tăng thêm 100 triệu USD, tương đương khoảng 7%. Khoản tiền này đặc biệt quan trọng vì Cục điều tra dân số đang chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra dân số năm 2020. Cuộc tổng điều tra này sẽ giúp tái phân chia khu vực, một trong những tác động lớn đến tương lai của nền chính trị Mỹ.

 2. Tăng phí hàng không

Ngân sách của ông Trump cũng tăng phí bảo vệ hành khách, thu phụ phí đối với vé máy bay, số phí này đủ để trang trải 75% chi phí cho các hoạt động an ninh hàng không của Cục An ninh Vận tải Mỹ.

Chi phí hàng không được huy động lần gần đây nhất là trong kế hoạch ngân sách năm 2014 do thâm hụt ngân sách. Kế hoạch ngân sách này không nói rõ phí sẽ tăng bao nhiêu so với mức phí hiện tại là 5,6 USD/khách cho mỗi chuyến bay một chiều, nhưng theo một số đánh giá, mức tăng thêm có thể là 1 USD.

Ông Trump muốn du khách trả tiền cho các dịch vụ này, thay vì được trợ cấp bởi người đóng thuế. Tuy nhiên, tăng phí hàng không không phải là một động thái đặc biệt phổ biến.

3. Thành lập quỹ mới cho các trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng
 

Kế hoạch ngân sách cho nghiên cứu y tế bị cắt giảm khá nhiều. Bộ Y tế bị cắt giảm hơn 15 tỷ USD, tương đương 18%, trong đó cắt giảm gần 6 tỉ USD từ Viện Y tế Quốc gia, đồng thời cắt giảm gần 700 triệu USD của các khoản trợ cấp của bang và địa phương cho Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp liên bang.

Tuy nhiên, ngân sách của ông Trump lại thành lập quỹ mới mang tên "Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Liên bang" nhằm giải quyết các vụ bùng phát dịch bệnh như virus Zika, nhưng trong báo cáo không nói rõ mức tài trợ.

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo từ nhiều năm nay rằng Mỹ - và, rộng hơn là trên thế giới - vẫn chưa thực sự chuẩn bị cho một sự bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Mặc dù tình huống xấu nhất của các dịch Ebola và Zika đã không xảy ra, nhưng chúng cũng đã làm nhiều người Mỹ sợ hãi và cho thấy mức độ chuẩn bị yếu kém của Mỹ trong việc phản ứng với các dịch virus nguy hiểm.

Ông Trump đã đặc biệt bị ám ảnh bởi dịch Ebola năm 2014, các bác sĩ và y tá bị nhiễm Ebola không được quay trở lại Mỹ để điều trị. Theo ông Trump, Ebola dễ dàng lây lan hơn nhiều so với những gì mà Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) và các đại diện của chính phủ đã nhận định.

Thật khó có thể biết liệu khoản tài trợ mới này có phải là một phần trong triết lý an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Trump không, hay chỉ là một chút khẳng định mang tính cá nhân, tuy nhiên quỹ khẩn cấp mới của ông Trump sẽ giúp Mỹ ứng phó với những nhu cầu thực tế.

 4. Tăng kinh phí để loại bỏ “sơn gốc chì”

Ngân sách của chính quyền Tổng thống Trump đặc biệt chú trọng tới các chương trình hướng tới người Mỹ có thu nhập thấp, bao gồm trợ cấp sưởi ấm và các chương trình nhà ở.

Ngân sách cũng cung cấp thêm 20 triệu USD để loại bỏ “sơn gốc chì” trong những ngôi nhà của người có thu nhập thấp. Số tiền này tương đương với mức tăng gần 20% - một khoản đầu tư đáng kể đối với một vấn đề không xảy ra ở những nhà có thu nhập cao nhưng vẫn phổ biến trong các nhà có thu nhập thấp.

5. Tăng lệ phí nộp đơn phá sản
Ngân sách kêu gọi tăng lệ phí nộp đơn xin phá sản nhằm mang lại thêm 150 triệu USD cho Cơ quan Ủy thác của Bộ Tư pháp Mỹ để giám sát việc quản lý các vụ phá sản. Lệ phí nộp đơn phá sản có thể lên đến hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn USD đối với các cá nhân và doanh nghiệp, một khoản tiền tương đối lớn đối với những cá nhân/doanh nghiệp đã chẳng còn lại gì khi phá sản.
Có thể hơi ngạc nhiên khi ông Trump lại muốn tăng phí phá sản, vì các công ty của ông đã từng tuyên bố phá sản 6 lần.
6. Tăng tài trợ cai nghiện
Mặc dù hầu hết các chương trình dịch vụ xã hội đều bị cắt giảm, nhưng kế hoạch ngân sách của ông Trump lại chi thêm tiền để giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với nước Mỹ hiện nay: nghiện opioid.
Ông Trump đề xuất khoản ngân sách bổ sung 500 triệu USD để mở rộng các nỗ lực phòng ngừa và tăng cường tiếp cận các dịch vụ điều trị và phục hồi cho người nghiện. Đây rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Donald Trump.
Bản giới thiệu về ngân sách đã nêu rõ 6 điểm quan trọng trong kế hoạch ngân sách, bao gồm tăng cường tài chính cho quốc phòng, biên giới và thực thi luật nhập cư, trong đó cũng có một điểm về việc hỗ trợ giảm lạm dụng chất gây nghiện. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhận được sự ủng hộ lớn của vùng Trung Tây nước Mỹ, nơi các bang đang phải đối mặt với nạn dịch tồi tệ này, nên cam kết của Nhà Trắng về việc chiến đấu với tệ nạn này là rất có ý nghĩa.