Tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển có xu hướng giảm tốc

PV.

Các báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới được công bố của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới cho thấy, tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển có xu hướng giảm tốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế toàn cầu” công bố ngày 16/1/2017, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giữ nguyên mức dự báo trước đó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm sắp tới (sẽ đạt mức tăng trưởng 3,4% trong năm 2017 và 3,6% trong năm 2018) do những mối quan ngại về tình trạng giảm tốc tại các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil và Mexico. 

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ xuống còn 7,2% trong năm 2017, giảm 0,4% so với báo cáo trước đó, và giữ nguyên mức dự báo 7,7% trong năm 2018.

Kinh tế Mexico được dự báo lần lượt đạt 1,7% và 2% trong năm 2017 và 2018; còn nền kinh tế lớn nhất Mỹ La tinh là Brazil bị hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 0,2% trong năm 2017, trước khi tăng trở lại 1,5% trong năm 2018.

Trung Quốc – nền kinh tế mới nổi lớn nhất, được IMF nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên 6,5%, tăng 0,3% so với dự báo đưa ra tháng 10/2016, tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn còn thấp so với giai đoạn dài tăng trưởng trên dưới 8%/năm trước đây. Bên cạnh đó, IMF cũng tỏ ra quan ngại về gánh nợ ngày càng lớn của Trung Quốc làm gia tăng rủi ro về nguy cơ giảm tốc mạnh hơn của nền kinh tế.

Cùng chung nhận định với IMF, Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, viễn cảnh chung của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển bị lu mờ đôi chút bởi thương mại quốc tế đình trệ, đầu tư kém và mức tăng năng suất lao động kém.

WB tỏ ra lo ngại về suy giảm tăng trưởng đầu tư tại thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, nơi chiếm tới 1/3 GDP, 3/4 dân số và số người nghèo toàn cầu. Mức tăng đầu tư đã giảm từ mức trung bình 10% năm 2010 xuống còn 3,4% năm 2015 và trong năm 2016 có thể còn giảm tiếp 1/2 điểm phần trăm nữa.

Tốc độ tăng trưởng đầu tư suy giảm một phần do thực hiện điều chỉnh từ mức đầu tư cao trước khi xảy ra khủng hoảng, nhưng phần nào cũng phản ánh một số yếu tố tiêu cực tại thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó phải kể đến giá dầu thấp (đối với các nước xuất khẩu dầu), đầu tư nước ngoài chậm lại (đối với các nước nhập hàng hoá nguyên vật liệu) và trên bình diện rộng hơn, đó là tình trạng nợ tư nhân và rủi ro chính trị.

Theo đó, WB dự báo tỉ lệ tăng trưởng các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển xuất khẩu hàng nguyên vật liệu sẽ đạt 2,1% năm 2017 nhờ giá hàng nguyên vật liệu hồi phục và Nga, Brazil đã vượt qua suy thoái và tăng trưởng trở lại. Trong năm 2016 nhóm nước và nền kinh tế này chỉ tăng trưởng mức không đáng kể là 0,3%.

Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng trưởng 5,6% năm nay, thấp hơn một chút so với con số ước tính là 5,7% năm 2016. Dự báo mức tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm một cách từ từ xuống còn 6,5%.