Thế giới tuyên chiến với tin giả: “Virus” làm suy yếu lòng tin

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Tin giả có thể sai sự thật hoàn toàn hoặc chứa một phần sự thật với mục đích khiến nội dung trở nên giật gân hơn. Cùng với sự phát triển của internet và các loại hình truyền thông phi chính thống, tin giả đang dễ dàng trở thành một loại “virus” làm suy yếu lòng tin của công chúng vào truyền thông nói riêng và thể chế nói chung.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Like, share và sự lây lan

Tuy là tin giả nhưng cách thức vận hành của nó thì như một cỗ máy chuyên nghiệp thực sự, thậm chí tạo nên ngành tin giả. Nhà báo Mỹ Anne Applebaum nói: “Khi chúng ta nói về tin giả là đang nói đến chuyện bóp méo thông tin. Một trang web tạo ra tin giả, trang web khác đưa lại tin đó, mạng xã hội lặp lại, và cứ tiếp tục như thế. Một hệ thống tin giả đã được hình thành theo cách như vậy”. Sự lây lan chóng mặt của tin giả được ví như một loại virus, làm suy yếu niềm tin của công chúng vào truyền thông.

Một trong những phương tiện góp phần thúc đẩy sự “lây lan” nhanh chóng của tin giả là tính năng chia sẻ trên mạng xã hội mà người chia sẻ có thể cố tình hoặc vô ý không cần tìm hiểu nguồn tin. Việc like (thích) và share (chia sẻ) bất cần biết thông tin thật hay giả, đúng hay sai, nên hay không của nhiều người hiện nay đã gây ra nhiều tác hại khôn lường cho xã hội.

Theo The New York Times, kể từ khi ra đời tháng 10/2006, nút share đã được xác định là một tính năng quan trọng nhất của mạng xã hội Facebook. Hơn 10 năm tồn tại, nút share đã khiến thế giới mạng đảo lộn nhiều lần, ảnh hưởng đến hàng triệu công dân mạng.

Cứ mỗi phút, 1,3 triệu lượt chia sẻ được thực hiện trên Facebook - điều này đặt ra câu hỏi, người dùng dành bao nhiêu thời gian suy nghĩ trước khi quyết định click chuột để share thông tin? Có người cho rằng, mạng xã hội là một xã hội tự do và những người cùng quan điểm có thể thỏa sức phát ngôn. Tuy nhiên, về sâu xa, “quyền phát ngôn” trên mạng xã hội lại động chạm rất lớn tới “quyền riêng tư” của nhiều người và đôi khi làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống ngoài đời của những nạn nhân.

Tin giả, hậu quả thật

Việc like, share, comment (bình luận) không đơn giản chỉ là ảo nữa mà đôi khi đưa đến những hậu quả thực sự. Ông Dave Benson Phillips, người dẫn nổi tiếng các chương trình truyền hình Anh quốc, cho biết: “Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của tin giả. Họ đưa tin tôi thiệt mạng trong một vụ tai nạn và việc đó ảnh hưởng ngay lập tức tới công việc của tôi”.

Thời gian gần đây chứng kiến không ít vụ việc đáng tiếc ở Việt Nam cũng như trên thế giới liên quan đến “tin đồn thất thiệt”. Rất nhiều trường hợp đối tượng là học sinh bị tung tin đồn vô ý, đã lâm vào tình trạng hoảng loạn, thậm chí có người đã tự sát.

Không chỉ tác động đến con người, tin đồn và thông tin thất thiệt còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đặc biệt là giới tài chính. Chẳng hạn, năm 2014, hàng loạt tin đồn thất thiệt đã gây rối loạn hệ thống tài chính, ngân hàng của Bulgaria, quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU)… khiến nhiều người đổ xô đi rút tiền.

Sự kiện này đã khiến các ngân hàng lớn bị sụp đổ chỉ trong vòng một tuần.  Đó là Ngân hàng hợp nhất thương mại Corpbank (Corporate Commercial Bank), ngân hàng lớn thứ 4 ở Bulgaria và Ngân hàng Đầu tư cấp nhất (First Investment Bank - FIB).

Chỉ trong ngày 27/6/2014, FIB đã phải thanh toán trên 800 triệu Lev (558 triệu USD) cho khách hàng, còn Corpbank cũng phải thanh toán cho khách hàng số tiền tương tự. Đó là bởi những kẻ quấy rối sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như internet, điện thoại di động để nhắn tin, kêu gọi mọi người đi rút tiền với lý do hệ thống tài chính của nước này đang bị đe dọa, chính phủ mất khả năng điều hành đất nước, nền kinh tế xuống dốc không phanh, đưa Bulgaria trở thành quốc gia nghèo nhất EU hiện nay, đặc biệt là đồng Lev của Bulgaria ngày càng mất giá…

Theo ông Ivan Iskrov, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bulgaria (BNB), những tin đồn thất thiệt nói trên đã gây rối loạn, làm chao đảo cả hệ thống tài chính ngân hàng của Bulgaria. Đặc biệt, các nguồn tin thất thiệt này đều xuất hiện dưới dạng thư điện tử vô danh hoặc các thông báo vô căn cứ, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân.