Trung Quốc có thực hiện được "mục tiêu kép"?


Thế giới đang quan sát liệu Trung Quốc có thực hiện được mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế song song với giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 5% hay không.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024

Trong báo cáo tại kỳ họp Lưỡng hội thường niên vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết sẽ mở rộng tiêu dùng nội địa, đồng thời hạn chế tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp, giảm rủi ro nợ của chính quyền địa phương và chỉ hỗ trợ các dự án bất động sản “hợp lý”.

Các nhà phân tích cho rằng việc kiềm chế các lĩnh vực này đồng nghĩa với việc chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn. Ông Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: “Đó là một sự mâu thuẫn, cùng với một sự thiếu sót. Họ không giải thích họ sẽ chuyển đổi nền kinh tế như thế nào.”

Vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố một loạt kế hoạch cải cách kinh tế và xã hội táo bạo trong chương trình nghị sự 60 điểm, vẽ nên một bức tranh dài hạn về thị trường tự do và tăng trưởng dựa vào tiêu dùng. Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc chưa đạt được sự đột phá nào.

Phản ứng im lặng của thị trường đối với những cam kết của Thủ tướng Lý Cường trái ngược với đợt phục hồi năm 2013 theo chương trình cải cách của ông Tập Cận Bình. Các nhà đầu tư và người tiêu dùng trở nên hoài nghi về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế này. Điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng niềm tin ở trong và ngoài nước.

Ông Max Zenglein, chuyên gia kinh tế trưởng tại MERICS, một viện nghiên cứu về Trung Quốc nhận định: “Tâm lý hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc có thể vẫn sẽ ở mức thấp”. Chuyên gia này nói thêm, nhiều kế hoạch năm 2013 của Trung Quốc đã đi ngược lại yêu cầu cấp thiết về sự ổn định, điều này được Thủ tướng Lý Cường nêu rõ trong báo cáo của mình.

Khi bong bóng bất động sản nổ ra vào năm 2021, nguồn thu của chính quyền địa phương ở Trung Quốc từ việc phát triển đất đai sụt giảm, khiến nhiều thành phố gặp khó khăn trong trả nợ. Một số phản hồi chính sách từ các thành phố có mức nợ cao nêu bật khó khăn trong việc chuyển đổi các lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng.

Trước mắt, Trung Quốc đã công bố các kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Bắc Kinh đã có kế hoạch tăng lương hưu cho người nông dân lên 103 nhân dân tệ. Họ cũng có kế hoạch giảm chi phí chăm sóc trẻ em và cải thiện việc chăm sóc người già như một phần của chiến lược quốc gia chủ động ứng phó với tình trạng già hóa dân số.

Thủ tướng Lý Cường cũng đã công bố một "mô hình mới" để phát triển bất động sản, tập trung vào nhà ở được chính phủ trợ cấp cho người có thu nhập thấp. Và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng đã nới lỏng quy định đăng ký thường trú ở các đô thị, cho phép nhiều lao động nhập cư tiếp cận các dịch vụ công cơ bản.

Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng việc Trung Quốc thúc đẩy các lực lượng sản xuất mới để đưa tổ hợp sản xuất của nước này tiến lên trong chuỗi giá trị là điều quan trọng đối với việc nâng cao thu nhập hộ gia đình, do tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.

Nhà kinh tế học Nie Wen của Hwabao Trust nhận định, việc cố gắng thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian ngắn không phải là không có giá trị nếu nó tạo ra nhiều không gian hơn cho những thay đổi cơ cấu sau này.

"Các ngành công nghiệp tiên tiến có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm mới ở thành thị và thu hút số lượng lớn sinh viên đại học tốt nghiệp trong năm nay vào lực lượng lao động", ông Nie nói và nhấn mạnh trong ngắn hạn, hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc đều phải đối mặt với áp lực giảm phát tương đối lớn, trong khi tăng trưởng chất lượng cao và kiểm soát rủi ro là những vấn đề dài hạn. Trung Quốc cần đạt được sự cân bằng.

Như vậy, nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn