Triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc sau đại hội XIX

GS., TS. Đỗ Tiến Sâm - Viện Nghiên cứu Trung Quốc

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra từ ngày 18-24/10/2017) xác định chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới, lấy Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình làm chỉ nam cho hành động, hướng đến mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào giữa thế kỷ này. Một trong những trụ cột để thực hiện mục tiêu trên là xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa. Bài viết trình bày khái quát những thành tựu, vấn đề còn tồn tại và triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những thành tựu, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc

Những thành tựu chủ yếu

Cách đây 40 năm, Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc họp cuối tháng 12/1978 đã ra một quyết định lịch sử là chuyển trọng tâm công tác của toàn Đảng từ trước đó “lấy đấu tranh giai cấp là cương lĩnh” sang “xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, thực hiện cải cách và mở cửa, xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy nhiên, cải cách và mở cửa là một sự nghiệp hoàn toàn mới, chưa được đề cập nhiều trong các tác phẩm của chủ nghĩa Mác – Lênin và cũng chưa có tiền lệ để noi theo. Vì vậy, cải cách và mở cửa được ví như một cuộc cách mạng, nhưng Trung Quốc không thực hiện theo “liệu pháp sốc”, mà vừa làm vừa rút kinh nghiệm theo kiểu “dò đá qua sông”.

Có thể nói, 40 năm cải cách và mở cửa cũng là 40 năm ĐCS Trung Quốc không ngừng tìm tòi về mặt lý luận, đồng thời coi trọng tổng kết thực tiễn, sau đó khái quát hóa thành lý luận, quan điểm hay tư tưởng để chỉ đạo thực tiễn mới. Thành tựu lớn nhất đến nay về mặt lý luận là ĐCS Trung Quốc đã tìm tòi, làm rõ - từ đó hình thành lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc và con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Cho đến trước Đại hội XIX, hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc bao gồm: Lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng “Ba đại diện” và quan điểm phát triển khoa học. Còn con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc bao gồm 5 con đường nhỏ: Công nghiệp hóa kiểu mới, đô thị hóa kiểu mới, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển chính trị và tự chủ sáng tạo đặc sắc Trung Quốc.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, về mặt thể chế, ĐCS Trung Quốc nêu lên mục tiêu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN. Hội nghị Trung ương 3 (khóa XVIII) (tháng 11/2013) đã chính thức đặt vấn đề “vừa phát huy đầy đủ vai trò quyết định của kinh tế thị trường trong phân bổ nguồn lực, vừa phát huy tốt hơn vai trò của nhà nước”. Còn về mặt chế độ kinh tế, ĐCS Trung Quốc xác định chế độ kinh tế cơ bản của nước này là: Chế độ công hữu là chủ thể, kinh tế nhiều sở hữu cùng phát triển.

Đây là trụ cột quan trọng của chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc và là nền tảng của thể chế kinh tế thị trường XHCN. Kinh tế công hữu và kinh tế phi công hữu đều là bộ phận hợp thành của kinh tế thị trường XHCN, đều là nền tảng quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc; vừa phải kiên trì không dao động củng cố và phát triển kinh tế công hữu, kiên trì địa vị chủ thể của kinh tế công hữu, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế quốc hữu, không ngừng tăng cường sức sống, sức khống chế, sức ảnh hưởng của kinh tế công hữu; vừa phải kiên trì không dao động khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn kinh tế phi công hữu phát triển, kích hoạt sức sống và sức sáng tạo của kinh tế phi công hữu.

Tổng giá trị sản xuất trong nước (GDP) và tốc độ tăng trưởng GDP (2012 – 2016)
Tổng giá trị sản xuất trong nước (GDP)  và tốc độ tăng trưởng GDP (2012 – 2016)
Nguồn: Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc

Về mặt thực tiễn, nhờ quyết tâm cải cách thể chế kinh tế để sức sản xuất xã hội được giải phóng và phát huy; đồng thời tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng những cơ hội mà toàn cầu hóa kinh tế đưa lại, nên Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm liền.

Bình quân thời kỳ 1978-2012, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 9,6%, tuy giảm nhưng thời gian 2013-2016 vẫn đạt mức tăng trưởng tương đối cao là 7,2%. Năm 2017, theo nhận định mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%. Tổng lượng kinh tế lần lượt vượt qua Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và từ năm 2010 đến nay vẫn duy trì vị trí thứ 2 thế giới (sau Mỹ), năm 2016 tổng lượng kinh tế đạt khoảng 11.200 tỷ USD.

Dự trữ ngoại tệ vẫn duy trì vị trí đứng đầu thế giới, tính đến cuối năm 2016 đạt 3.010 tỷ USD; thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) vượt 8.000 USD; số người thoát nghèo ổn định 5 năm gần đây đạt hơn 60 triệu người... Điều đáng chú ý, sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trở thành một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới (đóng góp trên 30% năm 2016).

Những vấn đề còn tồn tại và đang đặt ra

Mặc dù đạt được những thành tựu nêu trên nhưng sự phát triển của Trung Quốc đến nay vẫn bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là: Phát triển không cân bằng, không hài hòa, không bền vững (Văn kiện Đại hội  XVIII) hay không cân bằng, không đầy đủ (Văn kiện Đại hội XIX), biểu hiện ở sự chênh lệch phát triển, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền (miền Đông với miền Tây), giữa thành thị với nông thôn, giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội; chất lượng và hiệu quả phát triển không cao, môi trường sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng; tình trạng dư thừa sản phẩm công nghiệp nhất là xi măng, sắt thép… cùng với đó là những rủi ro về nợ công nhất là nợ của chính quyền địa phương nếu không kiểm soát được rất dễ làm cho kinh tế vĩ mô mất ổn định thậm chí gây mất ổn định xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều nhưng về mặt lý luận thể hiện ở việc xử lý mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường chưa tốt; nhận thức về quy luật kinh tế thị trường chưa đầy đủ và xây dựng thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, chính phủ vẫn còn can dự quá nhiều vào các hoạt động của các chủ thể thị trường, quản lý giám sát thị trường chưa tốt.

Ngoài ra, sự cản trở của các tập đoàn lợi ích (bao gồm tập đoàn lợi ích bộ ngành, tập đoàn lợi ích địa phương và tập đoàn lợi ích ngành nghề) làm cho tiến trình đi sâu cải cách bị chậm lại và chất lượng, hiệu quả giao lưu hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với nước ngoài không cao. Cuối cùng là tố chất của nhiều chủ thể thị trường chưa cao, biểu hiện ở tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan làm mất niềm tin của người tiêu dùng cả trong nước và thế giới đối với các sản phẩm được sản xuất hay chế tạo tại Trung Quốc.

Tất cả những tồn tại và vấn đề nêu trên đã đặt ra như một yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài mà Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc phải đối mặt giải quyết.

Mục tiêu, giải pháp và dự báo về sự phát triển kinh tế Trung Quốc thời gian tới

Những quan điểm chính thức thể hiện trong Văn kiện đại hội XIX và Hội nghị công tác kinh tế Trung ương cuối năm 2017

Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc (tháng 10/2017) đã nêu lên một số quan điểm về xây dựng thể chế kinh tế hiện đại hóa theo đó: Kiên trì chất lượng, ưu tiên hiệu quả, lấy cải cách kết cấu trọng cung là tuyến chính, thúc đẩy phát triển theo hướng chất lượng thay đổi, hiệu quả thay đổi, động lực thay đổi, từ đó nâng cao năng suất của các yếu tố; Tập trung đẩy nhanh xây dựng hệ thống sản nghiệp của kinh tế thực, sáng tạo khoa học công nghệ, ngành Tài chính tiền tệ hiện đại, phát triển hài hòa nguồn nhân lực; Coi trọng xây dựng thể chế kinh tế theo hướng cơ chế thị trường có hiệu lực, chủ thể vi mô có sức sống, điều tiết vĩ mô có mức độ; không ngừng tăng cường sức sáng tạo và sức cạnh tranh của kinh tế Trung Quốc.

Từ những quan điểm nêu trên, báo cáo Đại hội XIX đã nêu lên 6 giải pháp chính: Đi sâu cải cách kết cấu trọng cung; đẩy nhanh xây dựng mô hình nhà nước sáng tạo; thực thi chiến lược chấn hưng xã thôn; thực hiện chiến lược phát triển hài hòa giữa các vùng miền; nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, trong đó có việc nhanh chóng xây dựng chế độ tài chính hiện đại, xây dựng mối quan hệ tài chính giữa trung ương và địa phương quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng, tài lực hài hòa, cân bằng vùng miền; xây dựng chế độ dự toán quy phạm minh bạch, tiêu chuẩn khoa học, ràng buộc có hiệu lực; đi sâu cải cách thể chế tiền tệ, tăng cường năng lực tiền tệ phục vụ kinh tế thực...

Giải pháp phát triển kinh tế năm 2018 và những năm tiếp theo

Sau Đại hội XIX, Trung ương ĐCS Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị công tác kinh tế trung ương nhằm cụ thể hóa những quan điểm phát triển kinh tế của Đại hội XIX cho năm 2018 và 3 năm tiếp theo đến 2020, trong đó khẳng định: Lấy tư tưởng kinh tế XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình làm chỉ đạo, kinh tế Trung Quốc đã chuyển biến từ giai đoạn tăng trưởng kinh tế tốc độ cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao; trong 3 năm tới trọng điểm “đánh tốt ba trận công kiên gồm đề phòng hóa giải những rủi ro lớn, thoát nghèo chuẩn xác và phòng trị ô nhiễm”; nhấn mạnh các biện pháp như kiến tạo môi trường tốt đẹp hỗ trợ xí nghiệp dân doanh phát triển, đi sâu cải cách vốn nhà nước trong các doanh nghiệp quốc hữu, cải cách tài chính tiền tệ...

Dự báo về sự phát triển của kinh tế Trung Quốc

Mặc dù, Đại hội XIX và Hội nghị công tác kinh tế Trung ương đã có những giải pháp thể hiện quyết tâm chính trị rất cao nhưng dư luận Trung Quốc và quốc tế vẫn có những dự đoán khác nhau về triển vọng phát triển kinh tế của quốc gia này. Quan điểm tích cực cho rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thời gian tới là tốt, có ưu thế nội sinh, biểu hiện ở chỗ: Trung Quốc có dân số đông nên nhu cầu nội địa lớn; ưu thế về nhân lực với 700 triệu lao động trong đó, số người qua đào tạo ngày càng tăng lên; ưu thế về chế độ, theo đó Trung ương thống nhất lãnh đạo phân cấp quản  lý, các yếu tố sản xuất tự do lưu động.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có ưu thế về hệ thống kinh tế quốc hữu hoàn chỉnh, phát huy vai trò trụ cột trong việc đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia... Vì vậy, Trung Quốc có thể đạt được các mục tiêu đề ra, theo đó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5% trong vòng 3 năm tới. Riêng năm 2018 theo dự báo của Viện Kinh tế - xã hội Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể đạt 6,7%.

Quan điểm bi quan cho rằng, Trung Quốc sau một thời gian dài duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, từ năm 2020 sẽ bước vào chu kỳ suy thoái; thậm chí có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình do nước này không có thể chế dân chủ như phương Tây... Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức như: Sức ép về tài nguyên đối với tăng trưởng kinh tế vẫn quá lớn; sức cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Trung Quốc, vấn đề phân phối thu nhập không công bằng; vấn đề già hóa dân số...

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cả bên trong và bên ngoài nhưng Trung Quốc với nhiều ưu thế vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao vừa phải. 

Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc trên cơ sở phân tích và phán đoán tình hình thế giới và đất nước đã định ra chiến lược và bước đi phát triển kinh tế để thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ.

Là nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, Việt Nam một mặt có thể tham khảo những kinh nghiệm cải cách thể chế kinh tế để giải phóng và phát huy sức sản xuất, tận dụng tốt những cơ hội từ sự mở cửa thị trường của Trung Quốc; mặt khác, tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu về quá trình chuyển đổi mô hình phát triển cùng với những rủi ro có thể xảy ra từ sự phát triển của Trung Quốc để có biện pháp ứng phó phù hợp.    

Tài liệu tham khảo:

1. Tập Cận Bình, Quyết thắng trong xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, giành thắng lợi vĩ đại của CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới (Báo cáo tại Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc ngày 18/10/2017 ), NXB Nhân dân, Bắc Kinh, 2017;

2. Xem “Quyết định của Trung ương ĐCS Trung Quốc về những vấn đề đi sâu cải cách toàn diện’’(Hội nghị TW 3 khóa XVIII ĐCS Trung Quốc thông qua ngày 12/11/2013 ), NXB Nhân dân, Bắc Kinh, 2013;

3. Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương 2018. http://www.xinhuanet.com;

4. Bạch Cảnh Minh, 5 năm phấn đấu gian khổ, kinh tế Trung Quốc phát triển thành tựu huy hoàng. http://www.chinareform.net;

5.
Cải cách kết cấu trọng cung nhằm thực hiện nền tảng cho hệ thống kinh tế hiện đại hóa. http://fms.news.cn.