Trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có lợi cho Trung Quốc không?

Theo Hồng Minh/daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Đây có thể coi là sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong dòng chảy năng lượng suốt 10 năm qua.

Biếm họa của Arend van Dam, Calge
Biếm họa của Arend van Dam, Calge

Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho biết, lượng dầu thô nhập khẩu trong tháng 4 của nước này đạt 7,4 triệu thùng/ngày (tương đương với 1/13 tổng lượng dầu tiêu dùng mỗi ngày trên toàn thế giới) trong khi lượng dầu nhập khẩu của Mỹ chỉ đạt 7,2 triệu thùng/ngày.

Ước tính, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục vượt Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2015. Theo các nhà phân tích, dù Trung Quốc có thể quay lại vị trí nhập khẩu dầu thô nhiều thứ hai thế giới trong vài tháng tới nhưng trong dài hạn, Trung Quốc vẫn sẽ vượt qua Mỹ.

Số liệu trong tháng 4 cho thấy, cuộc “cách mạng” khí đốt đá phiến từ Mỹ đã làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào việc nhập khẩu dầu. Đối với Trung Quốc, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh là điều bất ngờ trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại.

Tuy nhiên, giá dầu giảm và các đợt cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thời gian qua là những yếu tố kéo nhu cầu tiêu thụ đi lên. Ông Colin Fenton, thuộc Cơ quan Quản lý Research Blacklight cho biết, Trung Quốc tăng dự trữ dầu mỏ là nguyên nhân khiến lượng dầu thô nhập khẩu của nước này gia tăng.

Trong khi đó, Công ty Tư vấn Năng lượng Aspects cho biết, một phần nguyên nhân lượng dầu thô nhập khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc tăng vọt là do khối lượng dầu nhập khẩu từ Iran tăng mạnh: “Iran có thể sẽ còn giảm giá nhiều hơn nữa dầu mỏ bán cho Trung Quốc như là một phần của nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ của nước này với doanh nghiệp dầu mỏ Trung Quốc”.

Trên thị trường dầu thô Trung Quốc, các doanh nghiệp thương mại quốc doanh đang đóng vai trò nổi bật. Họ đang tích cực xây dựng và củng cố đội ngũ kinh doanh có trình độ cao nhằm trực tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp có uy tín ở phương Tây như hãng dầu mỏ BP của Anh, hãng dầu Shell của Hà Lan, ngân hàng Golman Sachs và nhiều doanh nghiệp mua bán hàng hóa lớn như Vitol và Glencore.

Tại Mỹ, giá dầu tương đối cao sau khủng hoảng tài chính thúc đẩy các hãng sản xuất xe tung ra nhiều dòng phương tiện tiêu hao ít năng lượng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm. Bên cạnh đó, sản lượng dầu từ đá phiến tăng vọt trong 3 năm qua đã góp phần giảm bớt lượng dầu thô nhập khẩu.

Đối với Mỹ, giảm thiểu nhập khẩu dầu là mục tiêu của giới chính trị gia cũng như các nhà hoạch định chính sách đối ngoại. Họ xem việc phụ thuộc của Mỹ vào dầu thô ở Trung Đông là một gót chân Achilles, là sự mạo hiểm đối với an ninh quốc gia. Trước khủng hoảng tài chính, lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ từng đạt 100 triệu thùng/ngày, chiếm hơn một nửa tổng lượng dầu tiêu thụ của nước này.

Trung Quốc hiện đã là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, trong đó dầu mỏ được giao dịch nhiều nhất. Vượt qua Mỹ đồng nghĩa với việc Trung Quốc là nhà tiêu thụ hàng đầu trong hầu hết các loại hàng hóa, như than đá, quặng sắt và kim loại.

Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu an ninh năng lượng tại Đại học quốc gia Singapore, Philip Andrews-Speed nhận định, trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sẽ cho phép Trung Quốc có quyền định giá mua nhiều hơn, khi Bắc Kinh sẽ trở thành một nhà mua dầu mỏ quan trọng của các nước khu vực Trung Đông.

Trong vòng một thập kỷ qua, các nhà sản xuất dầu mỏ trên toàn thế giới đã phải điều chỉnh các kế hoạch bán hàng, khi nhập khẩu dầu thô của Mỹ đã giảm từ mức trên 10 triệu thùng/ngày cách đây 10 năm xuống còn khoảng 7,2 triệu thùng/ngày như hiện nay.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn tương đối thấp, nhu cầu của Trung Quốc có thể sẽ tăng. “Trung Quốc sẽ tiếp tục mua thêm dầu thô để lấp đầy các kho tích trữ mới. Đối với Trung Quốc, điều này có lợi về cả yếu tố chiến lược và thương mại” - Giám đốc SIA Energy tại Bắc Kinh, Seng Yick Tee nhận định.