Xung quanh phạm trù “chiến tranh tiền tệ”

Hoàng Thế Thoả

Sau hội nghị các quan chức tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương (NHTW) các nước G20 tổ chức tại thủ đô Mátxcơva (CHLB Nga) trong hai ngày 15-16/02/2013, dư luận quốc tế bắt đầu bình luận sôi nổi xung quanh chủ đề “chiến tranh tiền tệ” sau khi Nhật Bản, Vương quốc Anh bắt đầu học tập kinh nghiệm của NHTW Mỹ (Fed) về điều hành chính sách tiền tệ và tung ra các gói nới lỏng định lượng qui mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với một niềm tin khá chắc chắn về tác động tích cực của biện pháp can thiệp này. Mới đây, ECB cũng đưa ra thông điệp tiếp tục duy trì lãi suất thấp khi chính sách khắc khổ đang đẩy một số nước thành viên vào tình cảnh ngày càng bi đát hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn:internet
Ảnh minh họa. Nguồn:internet
Trước đây, một số nước đã lớn tiếng chỉ trích Mỹ khi Fed tung ra các gói nới lỏng định lượng (QE) để đối phó với khủng hoảng. Trong khi đó, họ lại tiếp tục neo tỉ giá với USD và hạ thấp bản tệ để bảo hộ xuất khẩu với hệ quả không tránh khỏi là lâm vào vòng lạm phát luẩn quẩn và bong bóng tài sản. Giờ đây, khi kinh tế Mỹ đang phục hồi ngày càng vững chắc hơn, dư luận và các nhà lãnh đạo quốc gia bắt đầu hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai chữ QE, tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị G20 vừa qua cũng bắt đầu đi vào cuộc sống và chính sách tài chính quốc gia, lãnh đạo các NHTW đã từng bước coi thỏa thuận đạt được là tín hiệu tốt về triển vọng tái cân bằng kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, việc các nước đồng loạt phá giá bản tệ không phải là thủ đoạn cạnh tranh và tiến nhanh hơn các nước khác, mà thực chất chỉ là sự trùng hợp, khi tất cả các nước cố gắng làm những việc giống nhau trong cùng một thời điểm với mục tiêu là cứu nguy cho nền kinh tế trong nước.

Cho tới nay, các quan chức tài chính toàn cầu đã có quan niệm đúng đắn về vai trò của các gói kích thích tăng trưởng kinh tế khi cho rằng, tiền tệ là hệ quả tất yếu chứ không phải là nền tảng của các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, mở đường cho cái gọi là vòng “nới lỏng tiền tệ qui mô lớn” lần thứ ba. Thậm chí, ông Bernanke (chủ tịch Fed) còn ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Nhật bản, Shinzo Abe về các biện pháp nới lỏng tiền tệ khi cho rằng, động thái này sẽ mang lại lợi ích toàn cầu nếu các nền kinh tế chủ chốt cần thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhà kinh tế từng đạt giải Nobel, Paul Krugman cho rằng, chiến tranh tiền tệ là quan niệm hoàn toàn sai lầm và việc mở rộng tiền tệ vẫn là động thái thông thường của các NHTW và có thể có lợi cho tăng trưởng toàn cầu, đây không phải là cuộc chiến tiền tệ.

Theo dự báo gần đây của IMF, kinh tế các nước phát triển sẽ tăng 1,4% trong năm 2013, chỉ bằng ½ tốc độ tăng trưởng trong thời kỳ 1994-2003. Tăng trưởng thấp cũng đồng nghĩa với thu nhập thấp, ảnh hưởng xấu đến đời sống hàng ngày và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu về các gói kích thích trở nên cấp thiết và phải hạn chế các biện pháp khắc khổ.

Khái niệm về chiến tranh tiền tệ từng được bộ trưởng tài chính Brazil, Mantega đưa ra vào năm 2010, khi cho rằng, các nước phát triển đã hạ giá bản tệ, làm tăng luồng vốn và đẩy gánh nặng chi phí sang các nền kinh tế lành mạnh hơn như Brazil. Vào thời gian đó, đồng real của Brazil tăng giá 40% so USD từ mức thấp vào năm 2008, và Brazil đã đưa ra hàng loạt biện pháp để ngăn cản nguy cơ đảo chiều của dòng vốn này. Trong đó, NHTW Brazil đã liên tục phá giá bản tệ để duy trì năng lực xuất khẩu. Tuy nhiên, các biện pháp tài chính đưa ra cũng không mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế, GDP năm 2012 chỉ tăng 0,9%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, buộc NHTW Brazil phải tìm biện pháp nâng giá bản tệ. 

Trao đổi với Tân Hoa Xã ngày 01/3/2013, ông Dị Cương (Phó thống đốc NHTW – PBC) cho biết, Trung Quốc sẽ theo dõi các gói nới lỏng định lượng của những quốc gia khác và sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tiền tệ, nếu xảy ra. Tuyên bố này cho thấy, PBC bắt đầu thận trọng và đã ý thức được rằng, các biện pháp nới lỏng tiền tệ để duy trì năng lực xuất khẩu sẽ phải trả giá đắt là vòng lạm phát luẩn quẩn. Trên thực tế, cạnh tranh bằng giá cả thay vì chất lượng sản phẩm đang gây nguy cơ vắt kiệt nguồn lực của đại lục này, tăng trưởng kinh tế đang chậm dần.

Trong khi những nước theo đuổi biện pháp phá giá đều vấp phải khó khăn dài hạn, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và một số nước khác đã kiềm chế phá giá bản tệ, và kết quả là nền kinh tế ổn định và xuất khẩu tăng vững. 

Từ lâu, lý luận và thực tiễn đều cho thấy những rủi ro khó lường của phá giá bản tệ. Ngay đến các nhà tạo lập chính sách Nhật Bản và Vương quốc Anh cũng thừa nhận, đồng tiền của những quốc gia mà NHTW phá giá quyết liệt sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, phá giá là liệu pháp mạnh để thúc đẩy tăng trưởng và chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài (rõ nhất là trường hợp Nhật Bản trong suốt 15 năm qua). Thứ trưởng kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết, tỉ giá thích hợp so USD dao động trong khoảng 95-100 yên, và nếu yên Nhật giảm xuống 100 yên so với USD (hiện đang ở mức 93,32 yên) thì cũng không gây ra vấn đề gì. Trong khi đó, Thống đốc NHTW Anh, Mervyn King cũng đề cao lợi ích đạt được nếu bảng Anh giảm giá.

Nhìn chung, các biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc giảm lãi suất để giảm giá bản tệ là cần thiết đối với những nước lệ thuộc vào thương mại và xuất khẩu. Tuy nhiên, lời cảnh báo đưa ra là cần kiềm chế và chỉ nên giảm giá bản tệ ở mức thích hợp, đảm bảo tăng tiêu dùng trong nước và giảm thiểu phương hại đến cán cân thương mại của nước khác. Về lâu dài, là để tránh tác dụng trở lại đến nền kinh tế trong nước.

Có thể nói, khái niệm “chiến tranh tiền tệ” đã thay đổi và các quan chức tài chính của các nước đã có quan điểm đúng đắn về động thái của NHTW nước khác khi họ tung ra gói nới lỏng định lượng, đây là tiến bộ lớn về nhận thức và hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, giảm nhẹ chủ đề chiến tranh tiền tệ mà thế giới đang tranh luận.