Cấm vận có thể khiến Nga lâm vào suy thoái kinh tế

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga dự báo, nếu các biện pháp cấm vận được áp dụng thêm thì có thể làm sụt giảm khoảng 0,2-0,3% GDP của Nga trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức sụt giảm có thể còn mạnh hơn, bởi ngay từ tháng 3 vừa qua, họ đã dự báo kinh tế Nga sẽ sụt giảm tăng trưởng mạnh.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Nga sẽ sụt giảm mạnh. Nguồn: internet
Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Nga sẽ sụt giảm mạnh. Nguồn: internet

Bước vào thời kỳ khó khăn

Thậm chí trước cả khi Mỹ công bố những cấm vận mới mạnh mẽ hơn đối với Nga vào tuần trước thì kinh tế Nga đã cho thấy những dấu hiệu khó khăn. Sau 15 năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhờ giá năng lượng cao, nền kinh tế này đang bên bờ vực của sự suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,5% trong quý đầu năm nay trong khi lạm phát vượt mức 7% và thất nghiệp ở mức trên 5%. Dân số Nga đang trong quá trình già hóa và dòng tiền đầu tư bên ngoài vào thì bị rút ra mạnh và liên tục trong thời gian vừa qua. Chỉ số chứng khoán chính Micex trên thị trường Nga đang trong xu hướng giảm và đã mất tới trên 7% chỉ từ ngày 17/7 đến nay.

Trong tháng 6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga dự báo, nếu các biện pháp cấm vận được áp dụng thêm thì có thể làm sụt giảm khoảng 0,2-0,3% GDP của Nga trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức sụt giảm có thể còn mạnh hơn, bởi ngay từ tháng 3 vừa qua, họ đã dự báo kinh tế Nga sẽ sụt giảm tăng trưởng mạnh.

Một báo cáo mới đây của tổ chức Morgan Stanley đã phân tích tình hình hiện nay của kinh tế Nga cũng như những thiệt hại tăng thêm từ các cấm vận mới nhất của phương Tây. Ước tính trong 4 quý tới, các khách hàng vay của Nga sẽ cần khoảng 157 tỷ USD để trang trải các khoản nợ của họ. Nhưng với việc không được giao dịch bằng đồng USD theo lệnh cấm vận mới thì các tập đoàn, ngân hàng và DNNN của Nga sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền này từ các thị trường khác ngoài phương Tây.

Theo chuyên gia kinh tế Anders Aslund thuộc Viện kinh tế Quốc tế Peterson, điều này là không dễ dàng. “Các ngân hàng thuộc nhà nước của Nga có thể bù đắp và Trung Quốc cũng có thể giúp cho một chút, nhưng tất cả chỉ có vậy”, chuyên gia này nói.

Các cấm vận mới được đưa ra trong bối cảnh các tập đoàn, ngân hàng và cơ quan nhà nước Nga đang phải đối mặt với các khoản thanh toán nợ khá lớn trong năm tới. Chỉ tính riêng tháng 12 năm tới, tổng số nợ mà họ phải trả đã lên tới 35 tỷ USD.

Quan trọng hơn, các lệnh cấm vận và thái độ bất an về các quan hệ đối ngoại của Nga có thể khiến người dân nước này hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm nhiều hơn, từ đó khiến lợi nhuận của các DN sụt giảm vì không bán được hàng. Morgan Stanley cho rằng, chỉ xét tới những tác động như vậy đã cho thấy nguy cơ kinh tế Nga sẽ lâm vào suy thoái cuối năm nay. Yếu tố có thể giúp bù đắp là trường hợp giá dầu tăng cao trong thời gian tới.

Phụ thuộc vào hành động của EU

Một xu hướng đáng lo ngại khác với kinh tế Nga là hoạt động đầu tư của các DN Nga đang giảm xuống do họ phải sử dụng nhiều tài chính để trả nợ hơn. Theo chuyên gia Aslund, đầu tư hiện nay chỉ ở khoảng 21% GDP trong khi mức này nên ở khoảng 30%. Về lâu dài, mức đầu tư giảm xuống sẽ tác động làm giảm GDP tiềm năng của Nga.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông ở Nga hiện nay cũng không được đánh giá tốt. “Hệ thống đường sá thực sự là vấn đề lớn. Trong khoảng 20 năm qua, Nga tăng rất ít đầu tư cho giao thông”, chuyên gia Aslund nhìn nhận. Tình trạng tắc giao thông ở Moscow vẫn diễn ra thường xuyên và kéo dài nhiều giờ trong khi một tuyến đường cao tốc bốn làn xe chạy tiêu chuẩn giữa Moscow và St Petersburg vẫn chưa có được.

Nga hiện là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới và vẫn là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất nhì hành tinh. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, ít nhất là trong một thời gian nữa. Thêm vào đó, Nga cũng đạt được những tiến triển trong việc đa dạng hóa các khách hàng năng lượng của mình, đơn cử như thỏa thuận bán gas có giá trị lên tới 400 tỷ USD cho Trung Quốc mới đây.

Mối quan hệ kinh tế thương mại giữa EU và Nga cũng rất lớn. Hiện khoảng 7% hàng hóa xuất khẩu của EU là vào thị trường Nga, trong khi tổng giá trị nhập khẩu từ Nga khoảng 12%. Bởi vậy, dù cách này hay cách khác thì nền kinh tế Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc EU, chứ không phải Mỹ, sẽ hành xử với Nga như thế nào. Vì thế, dư luận đang theo dõi rất kỹ xem liệu EU có áp dụng thêm các lệnh cấm vận mới chặt chẽ hơn với Nga không.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton cho biết, EU sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt nếu Moscow không có những biện pháp thay đổi tình hình hiện nay. Anh đang kêu gọi tiếp theo lệnh trừng phạt "cấp độ 2", hiện tại thì EU cần áp đặt các biện pháp trừng phạt "cấp độ 3" nhằm vào các lĩnh vực kinh tế và cấm vận vũ khí đối với Nga.

Trong cuộc họp tại Brussels, Bỉ ngày 22/7, Ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong đó có thể nhằm vào cả lĩnh vực quốc phòng, sau thảm họa máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia rơi tại miền Đông Ukraine. Danh sách các biện pháp trừng phạt mới đang chuẩn bị được công bố trong một vài ngày tới.

Tuy nhiên, chính vì mối quan hệ kinh tế thương mại lớn giữa 2 bên hiện nay, đặc biệt là việc phụ thuộc vào khí đốt của Nga nên EU dường như vẫn do dự trong bước đi tiếp theo. “Chúng tôi vẫn muốn xoa dịu tình hình thông qua tất cả các giải pháp ngoại giao và chính trị. Tuy nhiên, sẽ là cần thiết để sẵn sàng tăng cường gây sức ép. Điều này cũng có nghĩa rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ mạnh tay hơn” - Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier cho biết.