HSBC: Sản lượng sản xuất tại thị trường mới nổi giảm nhẹ

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Ngày 15/4, Ngân hàng HSBC công bố kết quả khảo sát của thị trường mới nổi. Điểm đáng chú ý trong kết quả lần này là ba trong bốn thị trường mới nổi lớn nhất thế giới có sản lượng sản xuất sụt giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo kết quả nghiên cứu, sản lượng sản xuất tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều sụt giảm. Trung Quốc tiếp tục có sự sụt giảm nhẹ trong hai tháng liên tiếp trong khi Ấn Độ lại quay về giai đoạn suy giảm. Sản lượng ở khu vực tư nhân tại Nga giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2009.

Trong tháng 3, sản lượng sản xuất tại các thị trường mới nổi lần đầu tiên giảm trong tám tháng qua mặc dù chỉ là mức giảm nhẹ. Trong khi đó các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tăng yếu nhất kể từ tháng 7/2013. Mức tăng nhanh ngành dịch vụ tại Trung Quốc bị che lấp bởi sự sụt giảm tại Nga và Ấn Độ.

Mức tăng đơn hàng mới tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu đã giảm nhẹ vào tháng 3 và các đơn hàng dự trữ tiếp tục sụt giảm. Kết quả là nhân công, việc làm tăng khá yếu.

Lạm phát giá cả đầu vào của tháng 3 tại các thị trường mối nổi chạm mốc thấp nhất trong chín tháng qua. Nga chống đỡ đà sụt giảm này với sự tăng trưởng mạnh nhất về giá cả đầu vào trong ba năm chủ yếu là do đồng Ruble của Nga đang suy yếu. Ngược lại Trung Quốc lại suy giảm giá đầu vào trung bình trong ba tháng liền.

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Kỳ vọng về sản lượng sản xuất suy giảm trong khi sự lạc quan cho ngành dịch vụ thì được cải thiện. Trong các thị trường mới nổi lớn nhất thì Nga liên tục cho thấy mức độ lạc quan kém ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Bức tranh toàn thể về mức độ lạc quan của các doanh nghiệp thể hiện sự sa sút kỷ lục, trong khi kỳ vọng về ngành dịch vụ lại ở mức thấp nhất từ tháng 12/2008. Mức độ lạc quan về kỳ vọng sản lượng ở Trung Quốc sụt giảm so với mức cao nhất trong 11 tháng vào tháng Hai. Trong khi đó mức độ lạc quan tại Brazil lại cao nhất trong bốn tháng.

Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế khu vực châu Á Federic Neumann cho rằng, các thị trường mới nổi đang trải qua thời kỳ khó khăn. Nhu cầu ở các thị trường đã phát triển kém đã kiềm chế lĩnh vực sản xuất. Những bất ổn chính trị tại các quốc gia cũng có thể là một nguyên nhân với nhiều cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở một số nước quan trọng như Ấn Độ và Indonesia và những căng thẳng địa lý cũng đã đè nặng lên khu vực Đông Âu.

Tuy nhiên, sự giảm sút xảy ra đồng thời ở các thị trường mới nổi phản ánh những vấn đề về cơ cấu một cách sâu sắc. Ví dụ ở Trung Quốc, các quan chức đã bắt đầu các cuộc cải cách đầy tham vọng mà trong ngắn hạn sẽ hạn chế các hoạt động đầu tư và tiếp cận tín dụng. Sự tăng trưởng ngày càng chậm lại của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi khác chủ yếu là những nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hoá.

Nhóm các thị trường mới nổi BRIC đã thể hiện kỳ vọng sản lượng sản xuất thấp nhất trong tháng Ba với Nga cho thấy mức lạc quan tệ nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Các nhà sản xuất ở Indonesia và Việt Nam tiếp tục thể hiện mức độ lạc quan mạnh nhất, tiếp theo là các nước Cộng hoà Séc và Ba Lan. Trong nhóm này, Cộng hoà Séc và Việt Nam đều đạt mức kỳ vọng sản lượng sản xuất cao kỷ lục./.