Kinh tế Thái Lan vùng vẫy trong rối loạn chính trị

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Thái Lan cũng có một lực lượng lao động đang già hóa một cách nhanh chóng. Lời hứa của NCPO trong việc sắp xếp thị trường lao động đã chưa hoàn thành. Tăng trưởng của Thái Lan trong năm 2015 đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Người dân Thái Lan muốn có chính phủ do dân bầu. Nguồn: internet
Người dân Thái Lan muốn có chính phủ do dân bầu. Nguồn: internet

Theo một số dự báo, nếu tình trạng bất ổn vẫn kéo dài thì Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc lại những quyết định của họ trước khi rót vốn vào Thái Lan.

Nỗ lực của chính quyền quân đội

Không mất nhiều thời gian để chính phủ quân đội cầm quyền của Thái Lan khám phá bài học đầu tiên về xây dựng thiện chí: muốn lấy lòng dân hãy chi tiêu. Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) - chính thể cầm quyền của Tướng Prayuth Chan - Ocha trong tháng đầu tiên đã phải dốc hầu bao gần 92,4 tỷ baht (2,8 tỷ USD) để chi trả cho nông dân theo chương trình trợ cấp giá lúa gạo do chính phủ bị lật đổ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra thực hiện.

Các nhà cầm quyền Thái Lan cũng đã cam kết phê chuẩn các dự án trị giá 21 tỷ USD hiện đang chờ sự chấp thuận của Hội đồng đầu tư (BOI) mà ông Prayuth tự bổ nhiệm mình làm Chủ tịch. Tại cuộc họp của BOI vào ngày 18/6, Uỷ ban này đã phê duyệt 18 dự án trị giá 4 tỷ USD.

Và sau khi phế truất chính phủ theo chủ nghĩa kinh tế dân túy, NCPO dường như đã quyết định rằng đôi khi việc dập khuôn theo những cái cũ cũng là một cách quản trị tốt: chính phủ của ông Prayuth đã phá vỡ thỏa thuận, cung cấp miễn phí cho người xem truyền hình các trận đấu của FIFA World Cup vừa qua.

Thái Lan dường như đã ứng phó tốt với thời cuộc: một cuộc khảo sát được thực hiện sau khi cuộc đảo chính cho thấy, chỉ số lòng tin tiêu dùng đã đảo ngược sự suy giảm trong 13 tháng trước đó, tăng từ mức  67,8 của tháng 4 lên mức 70,7 trong tháng 5/2014.

Trong khi thị trường chứng khoán giảm ngày 2/5 - một ngày sau khi quân đội nắm quyền, đã bắt đầu tăng liên tục đến ngày 1/7, chỉ số SET hiện ở mức 1486, tăng gần 17% kể từ đầu năm. Đồng baht của Thái Lan từ sau cuộc đảo chính cũng bắt đầu đảo ngược sự trượt dốc.

Những vấn đề nội tại của Thái Lan

Nhưng tất cả điều đó còn lâu mới đưa Thái Lan trở lại bình thường. Trong quý đầu tiên năm 2014, GDP của Thái Lan giảm 0,6% so với quý trước và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch, chiếm khoảng 7% của nền kinh tế, đã giảm rõ rệt: theo STR Global, nhà cung cấp dữ liệu, giá khách sạn cho thuê từ tháng Giêng đến tháng Năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 là 15%. Doanh thu của ngành du lịch Thái Lan trong năm 2014 dự kiến cũng chỉ đạt 1.150 - 1.170 tỷ baht, thấp hơn so với con số mục tiêu 1.300 tỷ baht.

Tình hình bất ổn hiện nay tại Thái Lan đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về sự tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014. Trong tháng 6/2014, Ngân hàng Trung ương Thái Lan giảm gần một nửa dự báo tăng trưởng năm 2014 xuống còn 1,5%.

Các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cho thấy sự lo ngại đối với thị trường Thái Lan. Trong 5 tháng đầu tiên của năm 2014, có 334 dự án với tổng giá trị 230 tỷ baht của các nhà đầu tư nước ngoài nộp lên BOI so với con số 526 dự án trị giá 256 tỷ baht của 5 tháng đầu năm 2013.

Các nhà đầu tư Nhật Bản, thường là những nhà đầu tư lớn nhất đã cho thấy sự e ngại khi giá trị các dự án xin phép đầu tư của họ giảm một nửa. Cụ thể, Japanese Honda Motor Co. cho biết, có thể hoãn thời điểm xây dựng một nhà máy có vốn đầu 530 triệu USD tại Thái Lan từ 6 -12 tháng so với dự kiến ban đầu.

Tuy vậy, các công ty này đã đầu tư khá lớn vào Thái Lan nên sẽ không giảm quy mô sản xuất hiện nay, với phần lớn sản lượng ô tô để xuất khẩu.   

Sự suy giảm này không nghi ngờ gì nữa - nó mang tính chu kỳ. Nền kinh tế của Thái Lan bùng nổ trong năm 2012 và 2013 khi đất nước phục hồi sau khi bị lũ lụt tàn phá vào năm 2011. Chương trình tín dụng dễ dàng và chính phủ khuyến khích những người mua nhà lần đầu và ô tô khiến người tiêu dùng chi tiêu tự do.

Nhưng tất cả những khoản chi tiêu đã mang đến một sự lo ngại khi các khoản nợ hộ gia đình tăng cao. Và khi FDI đang sụt giảm, nếu tình trạng kinh tế của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm như hiện nay được giữ nguyên thì tăng trưởng kinh tế nước này sẽ thấp hơn mức trước khi xảy ra trận lũ lụt lịch sử.

Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết, nước này có lẽ không bị suy thoái kinh tế; hoạt động bắt đầu tăng trong quý II.  Sutapa Amornvivat, kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thương mại Siam cho biết, cô đã nhận thấy dấu hiệu tăng khiêm tốn trong tiêu dùng: các cửa hàng nhỏ đặt hàng nhiều hơn, người dân ra ngoài ăn và mua hàng gia dụng nhiều hơn.  Khách du lịch rốt cuộc đã quay trở lại, giống như những gì xảy ra sau cuộc đảo chính tại Thái Lan vào năm 2006.

Sau những biến động chính trị mới đây, những nơi đầu tiên dỡ lệnh giới nghiêm là Koh Samui, Pattaya và Phuket, tất cả đều là các điểm du lịch. Bằng cách giải quyết các giấy phép đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), NCPO đã báo hiệu rằng, Thái Lan vẫn mở cửa cho doanh nghiệp.

Với vị thế là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất lớn thứ hai về ổ cứng máy tính và xe tải hạng nhẹ, Thái Lan đã vượt  qua nhiều năm biến động chính trị. Thái Lan vẫn có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và mức thuế thấp.

Nhưng Thái Lan cũng có một lực lượng lao động đang già hóa một cách nhanh chóng và phát triển tốn kém hơn: từ năm 2011-2013 tiền lương đã tăng hơn 30%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1% - kết quả của một ngành nông nghiệp quy mô lớn và định nghĩa về thất nghiệp một cách hào phóng của các cơ quan chức năng.

Mặc dù vậy, trong nửa cuối năm 2013, theo khảo sát của JETRO - Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản, hơn một nửa số Công ty Nhật Bản báo cáo tình trạng thiếu lao động tại Thái Lan. Lời hứa của NCPO trong việc sắp xếp thị trường lao động của nước này cho đến nay đã chưa hoàn thành, ngoại trừ cho nhập khẩu hàng trăm ngàn công nhân Campuchia.

Một ngạc nhiên nhỏ là JETRO đã thúc đẩy chiến lược “Thái Lan  + 1” (Thailand Plus One) trong bối cảnh các Công ty Nhật Bản bắt đầu chuyển dịch nhà máy của họ sang các nước có lao động rẻ hơn và tiềm năng tăng trưởng hơn.

Theo ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Global Insight, triển vọng tăng trưởng của Thái Lan trong năm 2015 đang đối mặt với nhiều rủi ro do nước này vẫn chưa tìm ra lối thoát cho tình trạng bất ổn hiện nay, “cảm giác Thái Lan đang bị xói mòn khi các nước Đông Nam Á khác hấp dẫn các nhà đầu tư hơn và triển vọng chính trị Thái Lan vẫn mơ hồ như bầu trời Bangkok”, ông nói.