Mỹ giám sát giao dịch tài chính toàn cầu

Theo gafin.vn

(Tài chính) Mỹ có thể giám sát hệ thống ngân hàng quốc tế và những giao dịch bằng thẻ tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
"Người thổi còi" lừng danh Edward Snowden lại vừa tiết lộ: Cục an ninh quốc gia Mỹ (NSA) có chương trình giám sát "Follow the Money hay FTM, tạm dịch là "Theo dõi tiền tệ" - được tiến hành bởi một nhánh của cơ quan tình báo - trên quy mô rộng lớn đối với các hệ thống ngân hàng quốc tế và những giao dịch bằng thẻ tín dụng.

Mục tiêu của NSA là khách hàng của Visa Inc. (ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi), Hiệp hội Tài chính Viễn thông liên Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) - dịch vụ tài chính toàn cầu tiến hành những hoạt động kinh doanh "nhanh chóng, chắc chắn và đáng tin cậy", được sử dụng bởi hơn 10.000 tổ chức tài chính và ngân hàng trong hơn 200 quốc gia trên thế giới - đặt trụ sở tại thủ đô Brussels, Bỉ và tạo ra cơ sở dữ liệu về luồng lưu thông tiền tệ.

Thông tin về những giao dịch tài chính thu thập được sau đó được chuyển đến cơ sở dữ liệu tài chính riêng của NSA gọi là "Tracfin" và phần lớn dữ liệu của nó được lưu trữ trong thời hạn 5 năm. Năm 2011, Tracfin chứa 180 triệu hồ sơ (so với năm 2008 chỉ có 20 triệu) với 84% trong số đó là chi tiết về các giao dịch thẻ tín dụng. Hợp tác chặt chẽ với chương trình gián điệp hệ thống tài chính toàn cầu của NSA là Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh GCHQ.

NSA tấn công hệ thống mạng tài chính của SWIFT

Mùa hè năm 2010, một doanh nhân Trung Đông muốn chuyển 50.000 USD (37.500 euro) từ một quốc gia trong khu vực đến quốc gia khác. Tuy giao dịch này không được tiến hành qua nước Mỹ và tên ngân hàng của doanh nhân được giữ bí mật nhưng hành động kín đáo này vẫn không thoát khỏi sự quan sát của NSA! Các tài liệu mật được Edward Snowden tiết lộ cho báo chí cho thấy NSA có thể theo dõi các luồng lưu thông tiền tệ toàn cầu một cách hiệu quả và toàn diện như thế nào, sau đó thông tin thu thập được lưu trữ trong Trafin - một cơ sở dữ liệu được cơ quan tình báo phát triển cho mục đích này.

Theo báo cáo nội bộ từ một chuyên gia phân tích của NSA, những giao dịch chuyển tiền chính là "gót chân Achilles" (nhược điểm chết người) của bọn khủng bố quốc tế. Từ hoạt động "gián điệp tài chính", NSA theo dõi được những vụ chuyển giao vũ khí bất hợp pháp và kiểm soát chặt chẽ loại tội phạm mạng. Chương trình giám sát các luồng lưu thông tiền tệ quốc tế của NSA còn phát hiện được loại tội phạm chính trị, tội ác diệt chủng và kiểm tra những biện pháp trừng phạt có được tuân thủ nghiêm ngặt hay không.

Theo các tài liệu mật, hoạt động của các điệp viên NSA ban đầu chỉ hướng đến những khu vực như châu Phi và Trung Đông, và những mục tiêu của họ thường nằm trong khuôn khổ được luật pháp cho phép thu thập thông tin. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, NSA chú trọng rất mạnh vào việc thu thập dữ liệu tối đa - hành động có thể dẫn đến những xung đột với luật pháp quốc gia và các hiệp định quốc tế.

Mục tiêu hàng đầu của NSA là SWIFT, sau đó đến các công ty thẻ tín dụng như Visa Inc. và MasterCard, và kế đến là hoạt động giao dịch bằng tiền tệ ảo thay thế như Bitcoin. Mọi thông tin thu thập được giúp hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về mọi sự di chuyển, cách thức giao tiếp liên lạc và tiếp xúc của các cá nhân. Từ tổng hành dinh ở thủ đô Brussels của Bỉ, SWIFT thực hiện các giao dịch tài chính thông qua phương thức chuyển tiền điện tử cho các khách hàng bao gồm: ngân hàng, người môi giới chứng khoán, các tổ chức thanh toán tài chính và công ty chứng khoán. Một tài liệu mật năm 2011 tiết lộ: từ năm 2006, NSA đã ưu tiên chọn mạng máy tính SWIFT làm "mục tiêu" theo dõi.

Sau một loạt những tiết lộ của Edward Snowden về những chương trình nghe lén các Đại sứ quán Liên minh châu Âu (EU) ở New York và Washington của NSA, công bố mới về chiến dịch xâm nhập hệ thống dữ liệu khách hàng của SWIFT có thể là thử thách mới cho mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và EU. Mới đây, Cecilia Malmstrom - Ủy viên Nội vụ của EU - lên tiếng kêu gọi người Mỹ nên "nói cho chúng tôi biết về những gì đã xảy ra và công bố hết mọi kế hoạch một cách nhanh chóng và chính xác".

Tuyên bố của Cecilia Malmstrom được phát đi không lâu sau ngày 8/9/2013 khi Đài Truyền hình TV Globo của Brazil thông tin về việc chính quyền Mỹ tấn công hệ thống mạng của SWIFT. Xung đột giữa Mỹ và EU đặc biệt căng thẳng bởi vì các tài liệu mật của NSA tiết lộ mức độ dính líu sâu của Bộ Tài chính Mỹ vào việc chọn lọc các mục tiêu cho cơ quan tình báo.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, SWIFT - trong khuôn khổ Chương trình theo dõi tài chính (TTFP) được ký kết giữa EU và Mỹ - cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính Mỹ trong cuộc điều tra về những giao dịch tài chính do bọn nghi can khủng bố tiến hành. Có báo cáo cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã nhận được khoảng 25% trong tổng số những cuộc giao dịch của SWIFT.

Về mối quan hệ này, Leonard Schrank - cựu CEO SWIFT - cho biết, tổ chức này chỉ cung cấp một lượng thông tin "hạn chế" cho Bộ Tài chính Mỹ theo cam kết về TTFP. Nhằm biện hộ cho việc khai thác dữ liệu của SWIFT, người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố: Nhờ dữ liệu giao dịch tài chính mà Mỹ phát hiện được một mạng lưới khủng bố ở Anh dẫn đến việc bắt giữ 4 thành viên của "Nhóm Sauerland" bị buộc tội liên can đến âm mưu đánh bom một căn cứ quân sự Mỹ ở Đức.

Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Trong nhiều năm qua, Chương trình TTFP đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị dẫn đến những cuộc điều tra chống khủng bố, góp phần đáng kể cho khả năng ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố trên thế giới". Nhưng, tiết lộ mới đây của Edward Snowden về chương trình do thám các giao dịch tài chính trên toàn cầu của NSA đã thúc giục các thành viên Nghị viện châu Âu yêu cầu tạm ngưng hoạt động của TTFP bởi vì có bằng chứng khẳng định các chương trình thu thập dữ liệu của NSA đã vượt khỏi khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố.

SWIFT có hệ thống máy chủ trên đất Mỹ nhưng vào cuối năm 2009, tổ chức này đã cho di chuyển nó đến Hà Lan và Thụy Sĩ nhằm cắt đứt mọi khả năng truy cập tìm kiếm thông tin của chính quyền Mỹ. Cụ thể là, sự tồn tại hệ thống máy chủ ở Mỹ cho phép giới chức tình báo nước này sử dụng các điều luật về chống khủng bố của chính quyền để thu thập dữ liệu về mọi hoạt động giao dịch tài chính ở châu Âu. Trong khi đó, luật pháp châu Âu ngăn cản mọi hành vi thu thập dữ liệu như thế cho dù các hệ thống máy chủ có đặt trên đất châu Âu.

Do thám các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng


Với chương trình có tên mã là "Dishfire" khởi động từ đầu năm 2009, NSA bắt đầu tăng cường thu thập thông tin về những giao dịch thẻ tín dụng của khoảng 70 ngân hàng trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó nằm ở các quốc gia đang chìm sâu trong khủng hoảng tài chính - bao gồm các ngân hàng ở Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Tình báo Mỹ đặc biệt "hưởng lợi" khi nhiều ngân hàng sử dụng dịch vụ nhắn tin để thông báo cho khách hàng về các giao dịch chuyển tiền.

Tại một hội nghị nội bộ năm 2010, các chuyên gia phân tích của NSA mô tả chi tiết về phương thức xâm nhập thành công hệ thống mạng vi tính phức tạp của Công ty Visa Inc. của Mỹ để đánh cắp dữ liệu về các hoạt động giao dịch tiền tệ diễn ra ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Cũng theo các tài liệu mật, chương trình gián điệp XKeyscore được NSA sử dụng để "lượm lặt" dữ liệu địa phương từ hệ thống mạng của Visa Inc.

Phản ứng trước những tiết lộ, người phát ngôn của Visa Inc. cho biết: "Chúng tôi không được cảnh báo về bất cứ sự xâm nhập trái phép nào vào hệ thống mạng của chúng tôi. Visa bảo đảm an ninh dữ liệu một cách nghiêm ngặt và để phản ứng lại bất cứ mưu đồ xâm nhập nào, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp mà luật pháp cho phép. Hơn nữa, chính sách của Công ty Visa Inc là chỉ cung cấp thông tin giao dịch theo lệnh của tòa án".

Thậm chí, các chuyên gia phân tích của NSA có công cụ điện tử hữu hiệu cho phép họ xác định một cách độc lập và nhanh chóng tính xác thực của các loại thẻ tín dụng. Rõ ràng là, NSA thu thập mọi thứ có thể được trong lĩnh vực tài chính nhạy cảm - ít nhất là theo báo cáo mật nội bộ tháng 4/2013. Nhờ chương trình XKeyscore mà NSA theo dõi được luồng lưu thông tiền tệ mã hóa của một nhà điều hành mạng tài chính lớn ở Trung Đông. Quan sát lén lút trong bóng tối giúp NSA có được nhiều thành công như là nắm rõ mọi hoạt động bên trong các ngân hàng trong thế giới Arập nằm trong danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ.

Trong một trường hợp, NSA cung cấp bằng chứng cho thấy một ngân hàng Arập dính líu đến giao dịch mua bán vũ khí bất hợp pháp; hay là một cơ sở tài chính dành sự ủng hộ đặc biệt cho một chế độ độc tài của châu Phi. Trước đây, NSA chỉ có thể giải mã những giao dịch thanh toán do các khách hàng thực hiện, nhưng hiện nay cơ quan tình báo này truy cập được vào mạng thông tin liên lạc nội bộ được mã hóa của các chi nhánh công ty thẻ tín dụng. Dữ liệu ngân hàng đánh cắp được từ các quốc gia trên thế giới được NSA đánh giá là "cực kỳ đáng quan tâm".

Theo một tài liệu mật, NSA cũng "thu gom" được dữ liệu từ Western Union, công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền hoạt động tại hơn 200 quốc gia trên thế giới. Nhưng vào năm 2008, Western Union bắt đầu bảo vệ cơ sở dữ liệu của mình bằng hệ thống mã hóa cao cấp nhất khiến cho các chuyên gia NSA đành chịu bó tay. Trước sự "lộng hành" của Nsa cũng như các cơ quan tình báo khác, Stephen Vladeck - giáo sư Khoa Luật Đại học Washington - cho biết các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư công dân đã mở chiến dịch chống lại các hoạt động thu thập dữ liệu đang tăng của cộng đồng tình báo Mỹ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Bất chấp mọi sự phản đối quyết liệt từ các nhà hoạt động nhân quyền, Giám đốc Tình báo Quốc gia James R. Clapper cho rằng, hoạt động thu thập dữ liệu giao dịch tài chính đã cứu mạng sống của nhiều người và Mỹ không đánh cắp các bí mật thương mại của các quốc gia khác. Ông khẳng định: "Từ sau ngày 11/9/2001, cộng đồng tình báo Mỹ đã thành công trong nỗ lực phá vỡ các mạng lưới khủng bố thông qua hoạt động theo dõi sự lưu thông tiền tệ của bọn khủng bố trên toàn cầu.

Các tổ chức tội phạm quốc tế, những quốc gia phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, những con buôn vũ khí trái phép, hay các quốc gia có ý định tránh né lệnh trừng phạt đều có thể là mục tiêu gián điệp. Chúng tôi thu thập thông tin vì nhiều lý do quan trọng. Ví dụ, thông tin cung cấp cho Mỹ và các đồng minh cảnh báo sớm về những cuộc khủng hoảng tài chính có thể tác động xấu đến kinh tế toàn cầu. Nó cũng giúp nhận biết chính sách kinh tế của các quốc gia khác có thể tác động đến thị trường toàn cầu như thế nào".