Qatar “đốt” gần 40 tỷ USD trong 2 tháng

Theo Hà Thu/vnexpress.net

3 tháng chịu trận từ đợt cô lập chưa từng có từ các nước láng giềng, Qatar đang dần cảm nhận được thiệt hại về kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's ước tính quốc gia giàu dầu mỏ này đã tiêu tốn 38,5 tỷ USD dự trữ tài chính trong tháng 6 và tháng 7. Họ cũng nhận xét không có dấu hiệu nào cho thấy sự bất hòa này sẽ sớm được giải quyết.

"Trong ngắn hạn, chúng tôi dự báo căng thẳng sẽ còn duy trì, có khả năng còn gia tăng. Mức độ trầm trọng của nó là chưa từng có", Moody’s cho biết.

Ngày 5/6, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt quan hệ ngoại giao và các tuyến giao thông với Qatar. Họ cho rằng nước này hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên, Qatar đến nay vẫn phủ nhận điều này.

Trước đây, Qatar phụ thuộc khá lớn vào Saudi Arabia và UAE để nhập khẩu một phần ba lương thực. Họ cũng nhập vật liệu xây dựng chủ yếu từ hai nước này. Giờ đây, họ phải chuyển hướng sang các nguồn khác, như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời cũng phải trả nhiều hơn cho lương thực và thuốc men.

Cuộc khủng hoảng cũng gây sức ép lên tiền tệ của Qatar, khiến họ phải dùng đến dự trữ quốc gia để giữ giá đồng riyal so với USD. "Tỷ giá đã biến động đáng kể suốt từ tháng 6. Nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao này tiếp tục, không biết giới chức Qatar đủ khả năng cầm cự đến bao giờ", Alexander Kuptsikevich - nhà phân tích tại FxPro nhận xét.

Qatar đã bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để bù đắp lượng vốn bị rút ra trong tháng 6 và 7. Moody’s ước tính khoảng 30 tỷ USD đã rời hệ thống ngân hàng trong các tháng này. Con số này được dự báo tăng nữa.

Dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Qatar đã biết cách "điều chỉnh trước cú sốc" và hệ thống ngân hàng "vẫn rất vững mạnh, với chất lượng tài sản tốt và vốn hóa cao".