S&P cảnh báo nguy cơ vỡ nợ địa phương của Trung Quốc do thâm hụt ngân sách

Theo gafin.vn

(Tài chính) Bất động sản Trung Quốc suy yếu làm tăng thâm hụt ngân sách và thúc đẩy rủi ro đối với nguồn vốn cho người vay khu vực.

Thị trường bất động sản yếu kém sẽ làm suy yếu những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của thủ tướng Lý Khắc Cường. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản yếu kém sẽ làm suy yếu những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của thủ tướng Lý Khắc Cường. Nguồn: internet
Huy động vốn của các công ty bất động sản Trung Quốc tăng 49% nhưng ít thông qua các quỹ tín thác hơn. S&P cảnh báo, Trung Quốc sẽ còn chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ của các công ty bất động sản nhỏ sau vụ phá sản của Zhejiang Xingrun trong tháng 3.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, tăng trưởng trong doanh thu tài chính giảm xuống 5,2% trong tháng 3 so với 8,2% trong tháng 2. Thâm hụt ngân sách tăng lên 326 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương với 52 tỷ USD so với thặng dư là 257,5 tỷ NDT.

Theo số liệu của Centaline, doanh số bán nhà mới tại 54 thành phố giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống thấp nhất trong 4 năm tính đến ngày 3/5. Goldman ước tính, doanh số bán bất động sản chiếm gần 30% trong tổng doanh thu của chính phủ. Một số thành phố dự kiến sẽ nới lỏng kiểm soát nhằm thiết lập mức giá phải chăng đối với bất động sản nhà đất và tạo lợi ích cho những người mua bên ngoài.

Sự suy yếu của thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và khả năng trả nợ thế cháp a đối với các công ty huy động tài chính cho chính quyền địa phương (local-government financing vehicles - LGFV). Chi phí vay nợ đối với các công ty xếp hạng AA đã giảm 75 điểm cơ bản trong năm 2014 và doanh số bán trái phiếu tăng 40%.

Christopher Lee, trưởng phòng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại S&P Hồng Kông, nhận định, thị trường bất động sản và giá nhà đất của Trung Quốc suy giảm mạnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như thị trường tín dụng.

Theo số liệu của Bloomberg và Công ty Thông tin bất động sản Trung Quốc, doanh số bán bất động sản tại 20 thành phố lớn của Trung Quốc trong năm nay giảm 5% so với năm 2013. Giá trị bán bất động sản tại các thành phố cấp 3 giảm 27% trong tháng 4.

GDP của Trung Quốc tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất với 7,4% kể từ quý I/2009 và thấp hơn so với mục tiêu của chính phủ là 7,5% trong khi đó, đầu tư tài sản cố định tăng chậm nhất kể từ năm 2002 với 17,6% trong tháng 3.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Hội đồng Nhà nước đã lên kế hoạch chi tiêu vào xây dựng đường sắt, tái phát triển các khu ổ chuột và tăng cường giãn thuế đối với các doanh nghiệp vi mô và hãng xuất khẩu. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng dự định thiết lập cơ chế gây vốn minh bạch đối với hoạt động xây dựng ở thành phố. Theo kế hoạch đô thị hóa giai đoạn 2014 - 2020 công bố trong tháng 3, cơ chế này sẽ cho phép chính phủ địa phương trực tiếp bán trái phiếu.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, các chính quyền địa phương đã thành lập hàng nghìn công ty huy động vốn để gây quỹ cho các dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và xử lý nước thải - chiếm 80% chi tiêu công và 40% doanh thu thuế. Cơ quan Kiểm toán quốc gia ước tính, tổng nợ của chính quyền khu vực tăng lên mức kỷ lục với 17,9 nghìn tỷ NDT tính đến tháng 6/2013.

Số liệu của Trung tâm vốn liên ngân hàng quốc gia cho thấy, trái phiếu chính phủ Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay với lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 25 điểm cơ bản xuống 4,3%. NDT giảm 2,8% xuống 6,2257 NDT/USD, và là đồng tiền kém nhất trong 11 đồng tiền được giao dịch ở châu Á.

Rủi ro lớn nhất đối với Trung Quốc là tác động của suy thoái kinh tế lên thị trường bất động sản và LGFV. Theo ông Xu Nuojin, phó trưởng phòng thống kê tại ngân hàng trung ương, cho rằng, chính phủ cần xem xét các biện pháp kích cầu.