Tháng mất mát của các đồng tiền châu Á

Huy Hiếu

Các đơn vị tiền tệ châu Á vừa ghi nhận tháng sụt giá mạnh nhất trong 3 năm, dẫn đầu là đồng ringgit của Malaysia.

Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index, chỉ số theo dõi diễn biến của 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất châu Á (trừ đồng JPY). Nguồn: Bloomberg
Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index, chỉ số theo dõi diễn biến của 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất châu Á (trừ đồng JPY). Nguồn: Bloomberg

Động thái phá giá Nhân dân tệ của Trung Quốc đã gia tăng nguy cơ chiến tranh tiền tệ châu Á khi Mỹ sắp nâng lãi suất và châm ngòi cho làn sóng bán tháo các đồng tiền tại khu vực. Theo tờ South China Morning Post, nhà đầu tư tiếp tục rút mạnh tiền khỏi các thị trường mới nổi do lo sợ kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế nhiều nước.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar theo dõi biến động của 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất châu Á (không tính đồng Yên) đã giảm 2,6% trong tháng 8, mức giảm mạnh nhất 3 năm.
Giảm giá trị 8,6%, đồng Ringgit của Malaysia có tháng sụt giảm tồi tệ nhất so với các loại tiền tệ khác ở châu Á, trong bối cảnh kinh tế Malaysia đang gặp khó bởi những tác động từ cuộc khủng hoảng chính trị tiếp tục kéo dài và giá hàng hóa giảm sâu.
Đồng Rupiah của Indonesia giảm 3,8%, mức giảm cao nhất trong 11 tháng.
Đồng Nhân dân tệ thì giảm 2,7% trong tháng 8. Việc Trung Quốc hạ mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào ngày 11/8 đã buộc chính phủ của nhiều nước châu Á khác phải hành động tương tự để bảo vệ xuất khẩu.
Mất 1,1% giá trị trong tháng 8/2015, đồng Won Hàn Quốc cũng có tháng giảm thứ 4 liên tiếp, chuỗi thời gian sụt giảm dài nhất từ năm 2008. Thông tin mới công bố cho thấy sản xuất tại Hàn Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.
Ngoài ra, giới đầu tư còn lo ngại kinh tế Hàn Quốc sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi khả năng Mỹ nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong tháng tới đang tăng cao hơn.
Tính toán của Bloomberg cho thấy tiền đồng Việt Nam hạ 3% trong tháng 8 và có tháng giảm sâu nhất tính từ tháng 2/2011. Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD 3 lần trong năm 2015, đồng thời nới rộng biên độ giao dịch để ứng phó với việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ.
Tại các thị trường châu Á khác, so với đồng USD, đồng Rupee của Ấn Độ giảm 3,4%, đồng Đô la Đài Loan giảm 3%, đồng Bath Thái mất 2,3%, còn đồng Peso của Philippines giảm 2,2%.
Phân tích về lý do sụt giảm của các đồng tiền châu Á, ông Min Lan Tan, trưởng bộ phận đầu tư tại UBS Wealth Management, nói: “Nhìn chung, Trung Quốc đã tạo ra một cuộc khủng hoảng niềm tin. Ngoại trừ Ấn Độ, các nền kinh tế châu Á khác đang chịu tác động từ việc nhu cầu hàng hóa Trung Quốc suy giảm. Trung Quốc đang nắm giữ yếu tố điều chỉnh niềm tin vào thị trường châu Á, thế nhưng tôi khẳng định sẽ không có khủng hoảng tài chính châu Á.”
“Sắc đỏ” tràn ngập trên thị trường ngoại tệ châu Á đã khiến nhiều ngân hàng trung ương các nước phải tính đến biện pháp can thiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng địa phương, nhằm làm dịu căng thẳng về thanh khoản khi tiền liên tục bị rút ra.
Rút khỏi đồng nội tệ của nhóm nước mới nổi, nhiều nhà đầu tư rót mạnh vốn vào đồng Euro và đồng Yên.
Trong khi đó số liệu mới nhất từ các sàn chứng khoán cho thấy các quỹ đầu tư toàn cầu đã bán ròng khoảng 10 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines.