Tình hình tài chính công của Anh chưa có nhiều cải thiện

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Bất chấp đà phục hồi khả quan của nền kinh tế trong thời gian gần đây, tình hình tài chính công của Vương quốc Anh vẫn chưa có nhiều cải thiện, chủ yếu do nguồn thu từ thuế thu nhập giảm mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 22/5, nợ công của nước này trong tháng Tư, không tính các khoản can thiệp tài chính, là 11,5 tỷ bảng (gần 19,5 tỷ USD), cao hơn 1,9 tỷ bảng so với cùng kỳ năm trước.

Đây được coi là khởi đầu không mấy tốt đẹp đối với ngành tài chính công của Anh trong tài khóa 2014-2015 (bắt đầu ngày 1/4), sau khi hoàn thành mục tiêu kiềm chế nợ công trong tài khóa trước.

Theo ONS, nguyên nhân chính khiến nợ công trong tháng Tư tăng cao là do nguồn thu từ thuế thu nhập giảm tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu từ các loại thuế khác tăng trưởng khả quan, trong đó nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng 4,1%, thuế nhà đất tăng 29,8% và thuế doanh nghiệp tăng 9,6%.

Như vậy, cho đến thời điểm này, tổng mức nợ công của "Đảo quốc Sương mù" lên tới 1.270,8 tỷ bảng (khoảng 2.147,7 tỷ USD), tương đương với 75,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo Cơ quan giám sát độc lập về ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh, nợ công của nước này, không tính các khoản can thiệp tài chính, trong tài khóa 2013-2014 kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua là 107,7 tỷ bảng (khoảng 182 tỷ USD).

Con số này thấp hơn nhiều so với mức nợ công 115,1 tỷ bảng (khoảng 195 tỷ USD) trong tài khóa trước và tương đương với mục tiêu 107,8 tỷ bảng do OBR đề ra.

Mặc dù nợ công trong tài khóa 2013-2014 giảm, nhưng các chuyên gia cho rằng con số này vẫn còn cao so với nhiều nước khác, đòi hỏi Chính phủ Anh phải tiếp tục thực hiện các chính sách "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách.

Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công của Anh hiện chiếm khoảng 5,8% Tổng thu nhập quốc dân (GNI), cao hơn nhiều so với mức trung bình 4,8% của các nền kinh tế phát triển và mức 3% của các nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chính phủ Anh đặt mục tiêu xóa bỏ thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2017-2018. Tuy nhiên, ông David Kern, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Liên đoàn các phòng thương mại Anh (BCC), cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ của nước này liên tục giảm kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong khi ngành tài chính còn nhiều yếu kém.