TPP chính thức có tên gọi mới

Theo nhóm PV - TGVN/baoquocte.vn

Các Bộ trưởng đã đồng ý với tên gọi mới của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đồng thời ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này.

Đây là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại cuộc họp báo thông báo về kết quả cuộc về TPP bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng ngày 11/11. Cuộc họp báo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đồng chủ trì.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các Bộ trưởng đã thống nhất giữ nguyên những vấn đề cốt lõi của Hiệp định TPP theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định này nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới. 

TPP chính thức có tên gọi mới - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Anh

“Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Dựa trên Tuyên bố này, các Bộ trưởng giao các Trưởng đoàn đàm phán tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật hiện chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành việc rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

8.000 trang tài liệu, chỉ có 20 điều khoản hoãn

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, các bên đã nỗ lực duy trì một thoả thuận chất lượng cao như TPP.

“8.000 trang tài liệu của Thỏa thuận TPP, trong số đó chỉ có 20 điều khoản tạm hoãn. Chúng tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi vẫn đang duy trì một thỏa thuận có chất lượng cao như TPP 12”, ông Toshimitsu Motegi nhấn mạnh.

Ông Toshimitsu Motegi thông tin, nhiều quốc gia đã đề xuất nhiều điều khoản tạm hoãn nhưng nếu tham gia vào quá sâu thì thỏa thuận sẽ có nguy cơ bị đổ vỡ. Vì vậy, các quốc gia đã thống nhất liệt kê ra các danh sách tạm hoãn có giới hạn để đạt được sự đồng thuận.

“Để thực hiện được những lợi ích của TPP và kêu gọi Mỹ quay trở lại thỏa thuận, 11 quốc gia đã chia sẻ quan điểm rằng cần phải thực hiện TPP”, ông Toshimitsu Motegi khẳng định. 

Trả lời báo chí về những khó khăn của các bên khi duy trì TPP trong bối cảnh không có Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc Mỹ rút ra khỏi TPP đã đặt ra những khó khăn nhất định cho các nước còn lại trong việc duy trì TPP với những tiêu chuẩn và chất lượng cao như vậy.

“Bốn vòng đàm phán trong năm đã giúp các bên đi đến những thỏa thuận cơ bản, quan trọng về những nội dung cốt lõi của Hiệp định”, ông Tuấn Anh kết luận.

TPP chính thức có tên gọi mới - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại cuộc họp báo. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Thay đổi xoay quanh nhiều lĩnh vực

Trao đổi về những điểm khác nhau giữa Hiệp định TPP và Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay lĩnh vực thay đổi chính từ TPP 12 sang TPP 11 xoay quanh nhiều vấn đề từ đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ… với nhiều bộ nguyên tắc khác nhau cần phải quy định. 

“Về mặt bản chất, Hiệp định CPTPP sẽ là hiệp định cao hơn, tiến bộ hơn so với các thỏa thuận trước đây từng ký kết trên thế giới. Chính vì thế, mà Hiệp định này là toàn diện và phản ánh mọi lĩnh vực”, ông Toshimitsu Motegi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích, việc đổi tên từ TPP sang CPTPP đã nhận được sự đồng thuận cao của các nước thành viên và “tính chất và chất lượng của Hiệp định được thể hiện qua 2 từ bổ sung là ‘toàn diện’ và ‘tiến bộ’ là điều mà các Bộ trưởng các nước thành viên mong muốn”.  

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện giờ chưa thể thông tin chi tiết cụ thể về các khó khăn mà Việt Nam gặp trong đàm phán, nhưng nhìn chung, Việt Nam đã gặp khó khăn nhất định trong việc “duy trì, thảo luận, thống nhất, cũng như tìm cách cân bằng chung các lợi ích của các quốc gia”.

Trước đó, trong hai ngày 9 – 10/11, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Bộ trưởng các Bộ trưởng kinh tế của 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp ở Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi.

Trong buổi thảo luận ngày 9/11, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản và một số Bộ trưởng phụ trách về TPP của một số nước thành viên đều nói đến một thoả thuận sơ bộ mà các bên đã đạt được và hy vọng sẽ có một thông báo được đưa ra vào cuối buổi họp ngày 10/11. Tuy nhiên, cuộc họp chiều 10/11 đã diễn ra mà không có sự góp mặt của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Kể từ sau Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này vào hồi tháng 1 năm nay, Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất trong TPP sau Mỹ, quyết đi đầu trong việc “hồi sinh” TPP. Dù các nước đã thống nhất về sơ bộ các nguyên tắc cũng như nội dung cơ bản cho Hiệp định TPP nhưng vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ và thống nhất với nhau trước khi ký kết.

TPP chính thức có tên gọi mới - Ảnh 3
Toàn cảnh cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng các nước thành viên TPP bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng ngày 9/11. Nguồn: Reuters

Một trong những vấn đề quan trọng mà TPP-11 đạt được bước đầu là những bất đồng về thuế quan đối với hàng dệt may, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa đã được đồng thuận.

Theo giới phân tích, TPP-11 sẽ có hiệu lực ngay sau khi tất cả quốc gia thành viên gồm Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản, Canada và Mexico phê chuẩn.

Do Mỹ không tham gia nên tác động kinh tế của TPP nhỏ hơn nhiều so với trước đây. Bởi lẽ, 11 quốc gia còn lại chiếm 13,5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (nếu có Mỹ thì GDP của TPP chiếm 38,2% và tổng kim ngạch chiếm 26,5%).

Trong phiên thảo luận về về “Tầm nhìn của APEC sau năm 2020” ngày 10/11 tại APEC CEO Summit 2017, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, có ý nghĩa quan trọng đối với các nền kinh tế thành viên của APEC.

 

Ông hy vọng tại APEC lần này, việc đàm phán về TPP có thể thu được kết quả thiết thực. “Nước Mỹ đã rút ra khỏi TPP và chúng tôi tôn trọng quyết định này. Những thành viên khác của TPP đã đàm phán rất nhiều, thậm chí làm việc đến tối muộn và tôi hy vọng chúng ta sẽ thu được kết quả thiết thực” ông Najib Razak nói.

 

Tuy nhiên, ông Najib Razak cũng cho rằng, quá trình hoàn thiện TPP vẫn còn một bước dài vì phải qua quá trình phê chuẩn và các thủ tục khác.