Trung Quốc vượt Mỹ thành nước M&A nhiều nhất thế giới

Theo vnexpress.net/South China Morning Post

Các tập đoàn Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập toàn cầu (M&A) trong năm qua với tổng giá trị lên đến 173,9 tỷ USD, tính đến tháng 9/2016.

Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập toàn cầu 9 tháng đầu năm với tổng giá trị lên đến 173,9 tỷ USD.
Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập toàn cầu 9 tháng đầu năm với tổng giá trị lên đến 173,9 tỷ USD.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu trong những thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), đánh dấu cơn sốt mua lại các công ty Mỹ nhờ được tạo điều kiện bởi kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong ba thập kỷ vừa qua. Bắc Kinh thậm chí đang có những chương tình khuyến khích các tập đoàn trong nước mua lại tài sản và công ty công nghệ ở nước ngoài.

Trong 9 tháng qua, tổng giá trị các thương vụ M&A bởi các công ty Trung Quốc đã ở mức 173,9 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ theo một số liệu của Dealogic. Từ trước đến nay, Mỹ luôn là nước dẫn đầu trong các phi vụ mua bán, sáp nhập quốc tế cho đến khi bị Trung Quốc vượt mặt.

Tuy nhiên, không phải tất cả các phi vụ mua bán với đối tác Trung Quốc đều có thể chốt sổ vì nhiều lúc, an ninh quốc gia được đề cao hơn lợi ích kinh tế.

Lĩnh vực công nghệ đang dẫn đầu với số lượng các giao dịch mua bán chưa được chốt sổ gồm 10 thương vụ với tổng trị giá khoảng 10,1 tỷ USD. Lý do các giao dịch này thất bại bao gồm việc bên mua rút lui, bên bán từ chối thương lượng hoặc các bên cân nhắc quá lâu dẫn đến việc đề nghị mua bán hết hạn.

"Các nhà làm luật rất coi trọng việc bảo vệ lợi ích quốc gia, từ quyền sử dụng đất đến bảo hộ các ngành công nghiệp như tại Australia, tới việc bảo toàn tuyệt đối an ninh quốc gia ở Mỹ", Keith Pogson của công ty tư vấn tài chính EY Asia-Pacfic cho biết. Chính phủ các quốc gia hiện đang rất thận trọng với nhà đầu tư Trung Quốc.

Một liên danh Trung Quốc đang muốn mua lại toàn bộ cổ phần công ty chăn nuôi gia súc Kidman lớn nhất Australia, hay chính phủ Trung Quốc muốn góp 6 tỷ USD vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C tại Anh, và điều đó gây tranh cãi trong dư luận các nước này.

"Chúng ta sẽ tiếp tục thấy nhiều vấn đề xảy ra khi nhà đầu tư Trung Quốc không ngừng đổ vốn ra nước ngoài với quy mô lớn. Một hoặc hai thương vụ có thể không gây nên những lo ngại về chính trị nhưng nếu nhiều hơn thì điều đó là chắc chắn. Đây là mùa bầu cử và những vấn đề như vậy sẽ trở nên rất nhạy cảm trong thời gian này vì các yếu tố chính trị đi kèm", Pogson nói.

Tổng cộng đã có 601 thương vụ M&A được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc trong chín tháng qua và là con số lớn nhất trong lịch sử, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận 441 thương vụ. Thương vụ M&A lớn nhất của nhà đầu tư Trung Quốc phải kể đến việc tập đoàn ChinaChem đề nghị mua lại công ty thuốc trừ sâu Syngenta của Thụy Sĩ với giá 46,7 tỷ USD vào tháng 2 vừa qua.

Tuy nhiên, không thể không kể đến 42 thương vụ bất thành của nhà đầu tư Trung Quốc trên toàn cầu và đây cũng là con số cao nhất từng được ghi nhận. Trong đó, hai M&A thất bại lớn nhất thuộc về Công ty công nghệ Unisplendor của Trung Quốc không mua được Western Digital với giá 3,8 tỷ USD và China Resources & Hua Capital bỏ lỡ số cổ phần trị giá 2,5 tỷ USD của Công ty Fairchild Semiconductor.

Hai công ty Mỹ được chào mời cho biết việc mua bán bất thành là do những vấn đề về thể chế được phát hiện trong quá trình đàm phán. Theo đó, những thương vụ như vậy được xem xét gắt gao bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS), một tổ chức được dẫn dắt bởi Bộ Tài chính Mỹ trong việc đánh giá các ảnh hưởng của hoạt động M&A từ nhà đầu tư nước ngoài đến an ninh quốc gia.

Trong một diễn biến khác, dữ liệu từ Dealogic cho thấy các ngân hàng đầu tư Trung Quốc kiếm được mức doanh thu 6,2 tỷ USD trong chín tháng qua nhờ các hoạt động M&A sôi nổi, trong khi đó các ngân hàng đầu tư hàng đầu khác trên thế giới đều sụt giảm doanh thu. Trung Quốc hiện là nước trả phí dịch vụ ngân hàng nhiều nhất thế giới sau Mỹ, chiếm 11,7% doanh thu các ngân hàng đầu tư toàn cầu.