Tương lai bất định đang chờ đợi Hy Lạp

Theo thoibaonganhang.vn

Đã một năm trôi qua sau khi Hy Lạp chấp nhận các điều kiện để nhận được gói cứu trợ thứ ba. Tuy nhiên, nhiều người dân nước này vẫn thấy chưa thể an lòng với hiện tại cũng như tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tháng Bảy năm ngoái, dù 62% số cử tri Hy Lạp phản đối thỏa thuận cứu trợ mới mà các chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất, nhưng trước nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone là quá lớn, Thủ tướng Alexis Tsipras đã phải lùi bước, ký thỏa thuận với các nhà tài trợ. Gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (93 tỷ USD) trong ba năm đi kèm những điều kiện như tăng thuế và cải cách lương hưu bị chỉ trích là quá khắc nghiệt.

EU đã chi gần 30 tỷ euro và các cuộc đàm phán về việc giảm nợ cho Hy Lạp, hiện ở mức tương đương 182% GDP, đã được khởi động. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tháng trước phát biểu rằng Hy Lạp đã đạt được dấu mốc quan trọng.

Trong khi đó, Chủ tịch Cơ chế ổn định châu Âu Klaus Regling ít hài lòng hơn vì mất đến chín tháng thay vì là ba tháng như dự kiến mới hoàn thành lần đánh giá đầu tiên của chương trình cứu trợ. Những người chỉ trích cho rằng lòng tin đang bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng.

Nghị sỹ Theodore Fortsakis đã chỉ trích Thủ tướng Tsipras khi ủng hộ việc tăng thuế hơn là cắt giảm ngân sách để đạt được các mục tiêu được đề ra trong chương trình cứu trợ là thặng dư ngân sách cơ bản (trước khi trả lãi suất) 0,5% GDP trong năm 2016, 1,75% GDP năm 2017 và 3,5% GDP năm 2018. IMF và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cho là mục tiêu của năm 2018 là không thực tế.

Chính phủ Hy Lạp đã cam kết sẽ cắt giảm lương hưu và trợ cấp cho công chức nếu không đạt các mục tiêu và thực hiện việc tư nhân hóa tài sản. Nhà chính trị học Georges Sefertzis cho đó là những động thái nguy hiểm, người dân đã bắt đầu giận dữ đối với ông Tsipras.

Theo EC, kinh tế Hy Lạp năm nay dự kiến giảm 0,3%, kéo dài đà giảm liên tục kể từ năm 2009, trừ năm 2014. Nhưng năm 2017 sẽ là một năm tốt lành cho nền kinh tế và người dân Hy Lạp khi dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 2,7%.

Theo báo Pháp Le Monde, Hy Lạp sẽ phải mất nhiều năm mới có thể thoát khỏi hậu quả của cuộc khủng hoảng và cải thiện tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 24,1% - tỷ lệ cao kỷ lục trong Eurozone. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dưới 25 tuổi lên đến 50,4%. GDP cũng như doanh thu của các công ty vừa và nhỏ cũng đều giảm 25% so với năm 2009.

Trong khi đó, đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ giảm 65% so với năm 2007. Hiện nhiều công ty vẫn đang tiếp tục phá sản. Bên cạnh đó, các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Athens buộc phải áp dụng theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế đã khiến dân chúng chán nản, suy sụp tinh thần.